Bài chòi, sức sống theo thời gian

09:02, 06/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xuân, khi bàn về các loại hình nghệ thuật dân gian và trò chơi dân gian ở miền Trung, đạo diễn Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: Nếu như bài chòi ở Bình Định được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể, thì Quảng Ngãi cũng nằm trong vùng sản sinh ra nghệ thuật dân gian, bài chòi.

TIN LIÊN QUAN

Những câu hát dạt dào tình quê

Nhấp chén trà đầu Xuân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi, hát hố tỉnh Quảng Ngãi Trịnh Công Sơn tự hào kể: Sau 30 năm tách tỉnh, các loại hình dân ca kịch, bài chòi, tuồng có lúc tưởng như không còn đất sống. Thế nhưng, ở các cuộc thi khu vực hay toàn quốc, đoàn Quảng Ngãi đều đoạt giải về dân ca bài chòi.

Trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2018 tại Quảng Ngãi, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã trao giải đặc biệt và bằng chứng nhận cho tác giả Nguyễn Thế Kỷ, giải đặc biệt cho đơn vị Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi, hát hố Quảng Ngãi; huy chương vàng cho đạo diễn Trịnh Công Sơn với tác phẩm “Núi rừng năm ấy” .

Một phân cảnh trong vở diễn “Núi rừng năm ấy”. Ảnh: Mai Hạ
Một phân cảnh trong vở diễn “Núi rừng năm ấy”. Ảnh: Mai Hạ


Có được kết quả đó, theo nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, là sự tiếp nối của quá khứ. Từ khi chưa tách tỉnh, Quảng Ngãi đã có Đoàn ca kịch Nghĩa Bình. Những vở tuồng “Núi rừng năm ấy”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Lâm Sanh - Xuân Nương”... được các nghệ sĩ thể hiện bằng loại hình dân ca bài chòi đã làm nức lòng người xem.

Trong 9 ngày đêm diễn ra Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 tại Quảng Ngãi đã thu hút hàng nghìn khán giả yêu nghệ thuật đến xem, trong đó có nhiều người già, học sinh, sinh viên. Em Trần Văn Đạt đến từ Trường Đại học Phạm Văn Đồng bộc bạch: Em có xem nhiều vở diễn trong các đêm liên hoan, với các loại hình nghệ thuật chèo, tuồng... nhưng em vẫn thích thể loại dân ca bài chòi được đoàn Quảng Ngãi thể hiện trong tác phẩm “Núi rừng năm ấy”. Vở diễn đã lồng ghép thật khéo câu chuyện lịch sử với dân ca bài chòi, làm cho loại hình nghệ thuật này gần gũi với đời sống hơn.

Bà Phạm Thị Ánh, ở xã Đức Minh (Mộ Đức) chia sẻ: Hồi còn nhỏ tôi đã nghe mẹ hát “Chín chòi lẳng lặng mà nghe...”. Những câu hát đầy hình ảnh như thế gợi cho bà bao sự tò mò. Và cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên bãi đất trống gần UBND xã Đức Minh, đội bài chòi đã dựng 9 hoặc 11 chòi tre. Những người nông dân sau một năm làm ăn vất vả, cứ đến mùng Ba Tết là kéo nhau đến hội bài chòi, để đắm chìm trong nhịp hò, điệu hát.

“Quà cho người thắng cuộc là những vật dụng thường nhật như chiếc nồi nấu cơm, bình đựng nước hay ấm nấu nước, nhưng ai thắng cuộc cho là vận hên đầu năm nên vui sướng. Người không trúng cũng thấy vui, vì được trở về với không gian của Tết xưa”, bà Ánh kể.

Nghệ nhân dân gian bài chòi Nguyễn Thực, ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) bộc bạch: Lời hát của bài chòi không chỉ bộc lộ niềm vui, cảm hứng về quê hương, đất nước hoặc tán dương cái đẹp, điều thiện mà còn có lời phê phán thói hư tật xấu trong cộng đồng, giúp người quê hiểu hơn về ứng xử văn hóa ở làng quê.

Người hô bài chòi thường tâm tính sôi nổi, hiểu rành rọt về ca dao, tục ngữ, các câu thơ, câu hát, nên mỗi khi họ cất lời đã thu hút được sự chú ý của người chơi bài chòi.

 Theo thời gian, từ loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, Đoàn Ca kịch tỉnh Nghĩa Bình đã phát triển bài chòi bằng hình thức sân khấu, mang tính chuyên nghiệp. Những câu chuyện thời sự, lịch sử, giả sử, dân gian đều được đưa lên sân khấu biểu diễn để đáp ứng thị hiếu nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.

Phục hồi bài chòi

 Bài chòi có sức sống là vậy, nhưng đến năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình chia tách, Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình chia đôi. Những người yêu nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi như ông Nguyễn Thế Kỷ, vợ chồng ông Trịnh Công Sơn gặp khó khăn trong việc hình thành đội diễn.

Ông Trịnh Công Sơn kể:  Không thành lập được đoàn đi biểu diễn như hồi chưa chia tỉnh mình buồn lắm, nhưng nghề diễn như máu thịt, nên mình kiên nhẫn chờ đợi và có khi phải tự phát biểu diễn một số nơi trong ngày xuân. Rồi đến năm 2013, tỉnh có chủ trương thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố, thì không chỉ mình mà hơn 40 thành viên đều nhất nhất tham gia.

Phân cảnh trong vở diễn “Rực lửa hoàng cung”.                       Ảnh: MAI HẠ
Phân cảnh trong vở diễn “Rực lửa hoàng cung”. Ảnh: MAI HẠ


Lúc bây giờ, mặc dù Trung tâm vẫn chưa có trụ sở để luyện tập, nhưng vì niềm đam mê mà các nghệ sĩ dân ca bài chòi cả chuyên nghiệp và không chuyên đã mượn nhà của vợ chồng nghệ sĩ Trịnh Công Sơn tập luyện. Nghệ sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ: Mỗi lần đi biểu diễn thấy người dân rất đam mê, nên vợ chồng bàn với nhau tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá thực trạng về nghệ thuật bài chòi để khôi phục và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ biểu diễn, sáng tác bài chòi cho các thành viên; thành lập câu lạc bộ, nhóm bài chòi và đưa bài chòi vào trường học...

Có lẽ nhờ vậy mà mỗi lần khu vực hay cả nước tổ chức Liên hoan nghệ thuật bài chòi, thì Quảng Ngãi đều tham gia, được công chúng yêu nghệ thuật bài chòi đón nhận nồng nhiệt. Và cho đến bây giờ, mặc dù có nhiều phương tiện công nghệ điện tử lấn sân, nhưng từng lời ca, tiếng hát bài chòi vẫn có đất sống.


MAI HẠ


.