Tưởng niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

01:08, 20/08/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 20.8, tại đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), Sở VHTT&DL tỉnh đã tổ chức lễ tưởng niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20.8.1864- 20.8.2019). 
 
Về dự lễ và dâng hương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo TP.Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh cùng bà con tộc họ của anh hùng dân tộc Trương Định.  
 
Tại buổi lễ, các đại biểu, bà con tộc họ, nhân dân địa phương đã dành một phút mặc niệm, cùng nhau ôn lại truyền thống yêu nước, những chiến công hiển hách của người anh hùng dân tộc.
 
Anh hùng Trương Định còn có tên là Trương Công Định, sinh năm 1820, tại thôn Trường Định, xã Tịnh Khê. Vào năm 1844, ông theo cha vào Nam, lập nghiệp ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. 
 
Các đại biểu tham gia lễ tưởng niệm.
Các đại biểu tham gia lễ tưởng niệm.
Năm 1854, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình nhà Nguyễn, ông đã chiêu mộ dân nghèo, khai hoang, lập đồn điền ở Gia Thuận (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Với công lao khi ấy, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ. Cùng với quân triều đình, ông đã tham gia chống giặc ngoại xâm, lập nhiều chiến công. 
 
Khi triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất với thực dân Pháp vào năm 1862, quyết định cắt giao 3 tỉnh miền đông Nam bộ giao cho giặc, hạ lệnh ông giải tán nghĩa quân chống Pháp và đi nhận chức lãnh binh ở An Giang. 
 
Các bô lão thực hiện nghi thức tế lễ.
Các bô lão thực hiện nghi thức tế lễ.
 
Đất nước lâm nguy, ông đã chống lệnh bãi binh của triều đình, trở thành lãnh tụ của nghĩa quân kháng Pháp và được nhân dân suy tôn là Bình Tây đại Nguyên soái. 
 
Trong một trận chiến, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, ông bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã tuẫn tiết để giữ trọn thanh danh. Khi đó ông 44 tuổi.
 
Khí tiết của Trương Định mãi được lưu truyền sử sách và trong lòng dân. Sau ngày ông mất, người dân Tiền Giang cũng như Quảng Ngãi đã dựng tượng, lập nhiều đền, miếu thờ cúng.
 
Các đại biểu, bà con, nhân địa phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm, tri ân đến công lao, khí tiết của anh hùng Trương Định; hàng vạn nghĩa quân đã hy sinh vì đại nghĩa. Cùng nhau nhắc nhở các thế hệ về tinh thần yêu nước của các vị tiền bồi đi trước luôn vị quốc quên thân, của một dân tộc không chịu khuất phục dưới bất kỳ thế lực ngoại xâm nào.
 
Tin, ảnh: Thiên Hậu
 

.