Những hiện vật cổ độc nhất vô nhị

08:11, 03/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Quảng Ngãi, người xưa đã để lại những di sản văn hóa đặc sắc mà không nơi nào có được. Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trong số rất nhiều hiện vật có giá trị được lưu giữ và trưng bày, có hai hiện vật mang tầm giá trị nghệ thuật tiêu biểu, xứng đáng là bảo vật quốc gia, đó là bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh và tượng tu sĩ Chămpa.

TIN LIÊN QUAN


Di sản của người Sa Huỳnh cổ

Bộ sưu tập bình gốm hình lọ hoa Long Thạnh gồm có 18 hiện vật. Đây là di sản văn hóa của người Sa Huỳnh cổ, được tìm thấy trong cuộc khai quật di tích khảo cổ Long Thạnh thuộc xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) do Viện Khảo cổ học thực hiện năm 1978 và trong cuộc đào thám sát năm 1994 của cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Những bình gốm hình lọ hoa này có niên đại cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm.


Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết: Các bình gốm hình lọ hoa Long Thạnh được làm bằng kỹ thuật nặn tay kết hợp dải cuộn với chất liệu đất sét được lọc kỹ pha cát mịn, xương gốm mỏng tương đối chắc, áo gốm tô đỏ, kiểu dáng thanh thoát, hoa văn trang trí phong phú tạo được phong cách riêng. Bộ sưu tập bình gốm hình lọ hoa này độc đáo, duy nhất về nghệ thuật tạo dáng, trang trí đồ án hoa văn mang tính thẩm mỹ cao, kỹ thuật xử lý bề mặt gốm điêu luyện, tinh tế, mang tính tiêu biểu của đồ gốm sớm sơ kỳ đồng thau phát triển lên văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt.
 

UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận hai bảo vật quốc gia đối với tượng tu sĩ Chămpa và bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh. 

Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh phát triển đỉnh cao ở giai đoạn sắt sớm vẫn mang dấu ấn của nghệ thuật gốm của giai đoạn Long Thạnh sơ kỳ đồng thau, mà đặc trưng nhất là bộ sưu tập bình hình lọ hoa gốm, góp phần chứng minh tính bản địa của văn hóa Sa Huỳnh, là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí phát sinh phát triển ngay trên dải đất miền Trung Việt Nam. Nghệ thuật tô ánh chì làm nổi bật đồ án trang trí hoa văn trên bộ sưu tập bình hình lọ hoa gốm Long Thạnh là đặc trưng nổi bật và tiếp tục trở thành nghệ thuật trang trí chủ đạo trên đồ gốm ở các di tích văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt.

Nghệ thuật trang trí trên bộ sưu tập bình hình lọ hoa gốm Long Thạnh với các đồ án đa dạng mô tả các đồ án chữ S gãy góc ở đỉnh tựa như ngọn sóng biển xô dạt vào bờ, mô tả cuộc sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với biển cả, vươn ra biển, khai thác biển. “Bộ sưu tập gồm 18 bình hình lọ hoa gốm Long Thạnh có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật, phản ánh sự khéo léo, tài hoa, đạt trình độ thẩm mỹ cao của cư dân chủ thể, đồng thời phản ánh nghề thủ công làm gốm rất phát triển của cộng đồng cư dân văn hóa Sa Huỳnh”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi nhấn mạnh.

Bức tượng của vị thần thông thái

Tượng tu sĩ Chămpa được làm bằng chất liệu đá, đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, là pho tượng đại diện cho phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn A1 thế kỷ thứ X, còn gọi là phong cách nghệ thuật Trà Kiệu muộn trong nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống của Chămpa. Tượng tu sĩ thể hiện vị thầy thông thái của người Chămpa với phong cách nghệ thuật tạc tượng đạt đến trình độ hoàn mỹ.

Pho tượng tu sĩ có nguồn gốc từ tháp Phú Hưng, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) do Công an Quảng Ngãi thu được từ người buôn đồ cổ vào năm 1994 và chuyển giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, đây là tác phẩm độc nhất vô nhị mà cho đến nay ở các đền tháp Chăm của miền Trung cũng như trong các khu di tích Chămpa lớn như Mỹ Sơn, Trà Kiệu cũng chưa có tiêu bản thứ hai.

Tượng có những nét đặc trưng riêng như: Thân hình khá to lớn, bộ râu rậm nhọn đầu, và cầm hai vật biểu trưng là tràng hạt ở tay phải và một đồ châu báu hình hoa cúc ở tay trái thể hiện độc đáo tinh tế trên mọi phương diện cả về mỹ thuật, kỹ thuật trang trí và nghệ thuật tạo hình. Tượng được bố cục cân đối với vẻ đẹp hài hòa giữa nội dung và hình thức đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đương thời, từ thân hình, dáng ngồi, y phục cho đến khuôn mặt cùng động tác cầm các vật phụ thuộc đều được miêu tả một cách chi tiết sinh động bằng những hình khối đường nét mềm mại, trau chuốt tinh tế thể hiện vị thầy thông thái của người Chămpa.


 P. Lý - P.Dung



 


.