Thơ và biển đảo

09:02, 27/02/2010
.

(QNĐT)- Biển  đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ  quốc. Song hành với những người lính và những ngư phủ ngày đêm canh giữ đất trời thiêng liêng ấy còn có những nhà thơ. Họ không thường xuyên có mặt trực tiếp trên biển, song những bài thơ của họ thì luôn ấm nóng, luôn khẳng định chủ quyền bất di bất dịch về vùng lãnh hải mà hàng nghìn năm nay cha ông ta đã cất công gìn giữ.
 
Trên tinh thần đó, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 nhân Tết Nguyên tiêu năm Canh Dần do Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi tổ chức sẽ giới thiệu một chương trình thơ-nhạc đặc sắc mang chủ đề Thơ và biển đảo, lấy câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo làm slogan cho cả chương trình: “Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến”.
 
 
a
 
 
34 năm  trước, từ chiến trường trở về, Thanh Thảo bắt tay vào viết trường ca “Những người đi tới biển”, như đúc kết cả một cuộc chiến tranh 30 năm lửa khói mà cả dân tộc phải ra trận để cuối cùng, chúng ta đã “tới biển”. “Tới biển” là tới được bến bờ của hòa bình và hạnh phúc. “Tới biển” là gặp lại nhân dân mình sau những can qua thấm đẫm máu và nước mắt.
 
Chủ  đề về biển đảo luôn thức ngủ với nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam. Ở đó không chỉ có biển xanh cùng sóng trắng, ở đó còn có những con người luôn canh gác cho đất liền những giấc ngủ bình yên. Ở đó là Tổ quốc. Biển luôn là khát vọng, là đích ngắm mà hàng nghìn năm qua, cả dân tộc luôn vươn tới: “Nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta/ Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến/ Mắt dõi nhìn hút cảnh hải âu bay”.
 
Dấu tích của những lần nhoài về phía biển ấy là những bờ cát trắng bời bời chạy dọc miền Trung. Cát đã thành nơi cưu mang, là chỗ dựa tin cậy, là thành lũy luôn chở che những người kháng chiến. Người yêu thơ sẽ được gặp những bờ cát ấy qua bài thơ “Cát trắng Phú Vang” của Nguyễn Khoa Điềm. Viết về cát nhưng không chỉ nói đến cát mà là nói đến nhân dân mình, chỗ dựa tin cậy của mọi cuộc chiến tranh giữ nước.
 
Cũng nói về chủ đề biển đảo, nhà thơ Hữu Thỉnh có cách nhìn, cách nghĩ riết róng hơn và cũng khốc liệt hơn. Ông là một trong không nhiều những nhà thơ Việt Nam đã vượt sóng nước trùng khơi để ra Trường Sa, ăn ngủ cùng những người lính hải quân ngay sau khi đất nước vừa giải phóng.
 
Sự khốc liệt nơi rẻo đất mịt mùng trời nước ấy đã hiện lên trong thơ ông với đầy đủ dáng vẻ của một con tàu luôn luôn phải đối mặt với sóng dữ, vừa là sóng của biển khơi nhưng cũng là bão tố từ phía của những dã tâm luôn chực chờ thôn tính. “Đảo có lính, cát non thành Tổ quốc”. Nơi ấy chỉ có lính và cát non. Hai số phận ấy đã gắn kết lại thành đất đai của Tổ quốc.
 
Nếu Hữu Thỉnh là nhà thơ đi Trường Sa với tư cách của một “khách thơ” thì Trần Đăng Khoa chính là “chủ nhà” nơi quần đảo ấy. Ông là lính hải quân, trực tiếp vừa cầm súng chiến đấu bảo vệ đảo vừa cầm bút nói hộ cho tâm trạng của hàng ngàn người lính luôn có mặt nơi địa đầu của Tổ quốc phía biển Đông. Người lính nơi đảo xa ấy luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ngay cả một giọt nước ngọt cũng thiếu. Những ai một lần đợi mưa trên đảo mới thấu hiểu hết nỗi lòng người lính ngày đêm đợi nước từ trời.
 
Bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa như một khao khát thường trực của người lính nơi Trường Sa. Nhưng dù khó khăn đến đâu đi nữa, các anh vẫn “sinh tồn” trên đảo, “sinh tồn” trên chính mảnh đất mà Tổ quốc đã đặt tên cho nó. “Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu/ Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão/ Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong trái tim người”.
 
Ngày thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi còn giới thiệu hàng loạt những tác giả có thơ viết về chủ đề này. Một nét riêng không trộn lẫn của vùng đất Quảng Ngãi với những nơi khác, đó chính là đảo Lý  Sơn- nơi từng là “thủ phủ” của Đội Hoàng Sa từ 400 năm trước. Nghe như còn vang vọng đâu đây từng tiếng khỏa nước dầm chèo của những binh phu Lý Sơn ra Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước.
 
Nhà thơ Lý Văn Hiền đã tái hiện không khí của một thời bi hùng của cha ông qua bài thơ giàu hình ảnh “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Ngày thơ còn đón nhận bài thơ “Con cò nhỏ” của một ngư phủ có 27 năm lênh đênh cùng sóng nước quê ở Sa Huỳnh-anh Nguyễn Xí. Thân phận của ngư dân trên biển như những thân cò. Nhưng chính sự mỏng manh tơ tóc ấy đã thành chiếc neo giữ lại cho chúng ta những gì thiêng liêng nhất. Đó là đất đai Tổ quốc. Tổ quốc luôn hiện lên sau mỗi cánh buồm của những ngư dân như anh Nguyễn Xí. Tổ quốc còn hiện lên sau mỗi dấu chân đi mở đất của cha ông nơi cuối trời Nam. Những lưu dân từ khắp nơi trên đất nước đã góp những dấu chân của mình để mở mang bờ cõi.
 
Một cuộc gặp tình cờ với người đồng hương Quảng Ngãi nơi tận cùng đất Mũi đã để lại cho nhà thơ Phạm Đương một ấn tượng khó quên. Qua chiếu rượu với “chú Năm đồng hương nơi đất Mũi”, tác giả đã gặp lại dấu chân mở cõi của nhiều thế hệ cha ông để biên cương đất đai Tổ quốc có thêm dài rộng. “Trong đáy cốc hiện cây bần cây đước/ Trong đáy cốc là rừng ngang bể dọc/ Những chiếc lá tơ non như vừa thoát ngục bùn/ Ấy là khi Tổ quốc ở nơi tận cùng có thêm một dấu chân”.
 
Đóng góp cho Ngày thơ Việt Nam năm nay, nhiều địa phương đã có những “chủ đề thơ” khác nhau, làm phong phú cho ngày hội của thơ ca. Thơ và biển đảo ở Quảng Ngãi chắc chắn sẽ góp một phần nhỏ cho sự phong phú  đó. 
 
Bài và  ảnh: TRẦN ĐĂNG 
 
 

.