(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT đã dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo, nhằm góp phần nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo.
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Theo Bộ GD&ĐT, luật này vừa là sự kế thừa, hoàn thiện các quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục, vừa bổ sung, phát triển hóa các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Sơn (Trà Bồng) trong giờ học. ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG |
Tại Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 19 nghìn cán bộ, GV, nhân viên công tác trong ngành GD&ĐT. Những năm gần đây, cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng luôn trong tình trạng thiếu GV. Điều đáng nói là địa phương đã nhiều lần tổ chức thi tuyển GV nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là bậc tiểu học, mầm non và GV những môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới như âm nhạc, mỹ thuật... Thiếu nhiều GV nhưng ngành giáo dục lại không được chủ động tuyển dụng, bổ sung... Đây là một trong những hạn chế khi chưa có Luật Nhà giáo.
Tạo động lực cho giáo viên vùng khó khăn
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam, việc xây dựng Luật Nhà giáo là thực sự cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho ngành GD&ĐTcũng như cho đất nước.
Năm học 2021 - 2022, toàn huyện Ba Tơ có 1.039 biên chế cán bộ, viên chức ngành GD&ĐT. Huyện đã hoàn thành việc tuyển dụng GV năm 2022. Tuy nhiên, hiện tại huyện vẫn thiếu GV ở bậc tiểu học và GV dạy môn Tin học. Bên cạnh đó, hằng năm, trên địa bàn huyện có khoảng 30 GV xin thuyên chuyển công tác về các huyện đồng bằng. Điều này ảnh hưởng đến công tác giáo dục ở địa phương, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vì các trường không tuyển được GV hợp đồng.
Nhà giáo công tác ở miền núi chịu nhiều thiệt thòi khi phải sống xa nhà, điều kiện ăn ở, đi lại khó khăn, trong khi đó các chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, vì vậy không thu hút được GV. “Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Trà (Trà Bồng) thường xuyên thiếu GV nhưng việc hợp đồng GV gặp nhiều khó khăn, vì tiền lương không đảm bảo, chế độ đãi ngộ còn hạn chế. Vì vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo là rất cần thiết nhằm giúp ngành GD&ĐT nói chung và nhà trường nói riêng khắc phục những khó khăn vốn có”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Trà Nguyễn Hữu Duy nói.
Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ Ngô Văn Hải nêu quan điểm, việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định về chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là rất phù hợp. Qua đó, tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, thu hút nhà giáo về công tác, phục vụ lâu dài cho giáo dục miền núi.
TRỊNH PHƯƠNG