(Baoquangngai.vn)- Trường đóng cửa đã 6 tháng vì dịch Covid-19 kéo dài, không lương, không phụ cấp, nhiều giáo viên mầm non tư thục ngậm ngùi chuyển nghề để kiếm sống. Làm shipper, bán rau, bán hàng online, đi làm công nhân… là những công việc mà rất nhiều giáo viên đang làm.
[links()]
Chật vật kiếm sống
Suốt 6 tháng qua, cô Thảo, quê ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), giáo viên mầm non ở một trường tư thục tại TP.Quảng Ngãi phải chật vật kiếm sống vì trường đóng cửa do dịch Covid-19. Do chưa đủ thời gian tham gia BHXH để được hưởng BHTN, cô Thảo chỉ được nhận 1,8 triệu đồng tiền hỗ trợ thất nghiệp do dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116 của Chính phủ.
Để lo cho gia đình, cô Thảo xin vào làm công nhân ở Công ty TNHH May Vinatex Tư Nghĩa. Tuy nhiên, do mới học việc nên cô Thảo chỉ nhận được mức lương 3,5 triệu đồng/tháng.
|
Nhiều giáo viên mần non tư thục xin đi làm công nhân để kiếm sống. |
“Đa số giáo viên mầm non tư thục như em đều đi làm công nhân để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi làm công nhân gặp rất khó khăn, vì chúng tôi chỉ quen với việc dạy dỗ, chăm sóc các cháu”, cô Thảo bộc bạch.
Cô Hiếu là đồng nghiệp của cô Thảo cũng gắn bó với nghề gần 8 năm. Sau khi trường đóng cửa, cô Hiếu không thể xin làm công nhân vì có con nhỏ và đang mang thai, nên chuyển sang bán hàng online kiếm sống nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Cô Hiếu dành số tiền ít ỏi 2,2 triệu đồng tiền BHTN để mua phương tiện và nhận đồ may gia công về cắt chỉ để kiếm thêm thu nhập.
|
Nhiều giáo viên mầm non tư thục bán hàng online để trang trải cuộc sống. |
Cần có chính sách hỗ trợ
Hiện nay, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cương (TP.Quảng Ngãi) Lê Thị Phương như ngồi trên đống lửa. Năm 2020, thời gian nghỉ dạy vì dịch Covid-19, trường trích quỹ dự phòng hỗ trợ cho giáo viên. Nhưng đợt dịch này kéo dài quá lâu, trường đóng cửa đã 6 tháng, không còn quỹ dự phòng để hỗ trợ cho giáo viên.
Cũng theo cô Phương, nhà nước cần linh động cho giáo viên tư thục được hưởng các chính sách hỗ trợ thất nghiệp do dịch Covid-19 cũng như có chính sách hỗ trợ đặc thù nếu dịch kéo dài để động viên giáo viên tiếp tục gắn bó với nghề.
Được biết, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ban, ngành để đề xuất lên Chính phủ 2 phương án.
|
Cần sớm có chính sách hỗ trợ để các trường mầm non tư thục trụ duy trì hoạt động. |
Theo đó, Bộ đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Hoặc đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính sách hỗ trợ số hóa; chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Mong rằng, các chính sách hỗ trợ sớm được ban hành để các cơ sở giáo dục ngoài công lập duy trì hoạt động và động viên đội ngũ giáo viên tiếp tục gắn bó với nghề.
Bài, ảnh:
ÁI KIỀU