(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều trường đại học ở Quảng Ngãi vẫn tổ chức dạy trực tuyến và nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy. Để việc dạy và học theo hình thức này đạt kết quả, nhiều sinh viên (SV) rất cần sự hỗ trợ phương tiện học tập, nhất là SV khó khăn.
Nỗ lực vượt khó
Đây là năm thứ hai Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức giảng dạy và học tập trực tuyến. Cán bộ, giảng viên của trường đã thích ứng với việc dạy theo hình thức này. Tuy nhiên, nhiều SV vẫn khó khăn trong việc học, nhất là những em gia đình khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị để học. Em Nguyễn Thị Lệ Giang, SV năm 2 ngành cao đẳng sư phạm mầm non là một trong số những SV như thế. Giang có ba hành nghề trên biển, mẹ vá lưới. Cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn khi ba em mắc bệnh suy thận. Mẹ em phải vừa chăm chồng, vừa tất tả buôn bán để lo cho 4 người trong gia đình. Giang vừa học vừa đi làm để tự trang trải cho mình. Giờ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên em chỉ có thể phụ mẹ làm việc nhà và chăm ba.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: DUY HÙNG |
Còn gia đình em Nguyễn Thị Thanh Hằng, SV năm 3 Khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), thuộc diện hộ nghèo ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ). Mẹ của em mắc bệnh hiểm nghèo phải thường xuyên đi khám bệnh, mua thuốc. Bố của em phải tạm dừng đi đánh bắt hải sản vì dịch Covid-19. Cả nhà 5 người đều nhờ vào tiền lương của người anh trai cả đang là công nhân tại KKT Dung Quất. Hằng cũng học trực tuyến bằng chiếc điện thoại cũ...
“Em học chuyên ngành tiếng Anh, nhưng sóng chập chờn làm mất tiếng nên khó theo bài. Những lúc thầy cô điểm danh, mạng bị rớt nên em bị đánh vắng. Nhiều lúc đang học, em phải chạy tới những nhà hàng xóm có sóng Internet mạnh hơn để xin học nhờ. Những lúc không theo kịp bài giảng, em nhờ bạn bè giúp đỡ”, Hằng bộc bạch.
Nâng cao chất lượng giảng dạy
Ngay từ đầu năm học, tất cả các học phần theo phân bố của chương trình đào tạo ở các hệ/bậc đều được Trường Đại học Phạm Văn Đồng triển khai dạy trực tuyến. Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhà trường tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng trong đào tạo; điều chỉnh nội dung học phần, kế hoạch để phù hợp với việc giảng dạy trực tuyến. Các học phần mang tính đặc thù, không thể học trực tuyến thì trường sẽ dạy trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.
Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi đã sử dụng nhiều hình thức, công cụ bổ trợ cho việc giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập trực tuyến. Do đó, bước đầu đòi hỏi người học phải nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, xem hướng dẫn sử dụng các phần mềm hỗ trợ... để dần làm quen với việc học trực tuyến. Phân hiệu triển khai đổi mới phương pháp đào tạo để khai thác thế mạnh của công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo trực tuyến, giúp SV tiếp cận với bài giảng điện tử. Ngoài ra, SV có thể truy cập tài liệu học tập thông qua hệ thống thư viện điện tử của trường.
“Nhà trường xác định đây là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học, từ việc giảng dạy, học tập và tổ chức thi trực tuyến; đánh giá khóa luận, bảo vệ luận văn cũng bằng hình thức trực tuyến... Đặc biệt, trong công tác tuyển sinh năm 2021, nhà trường thực hiện hoàn toàn trực tuyến, từ khâu thông báo kết quả trúng tuyển đến việc thí sinh nộp hồ sơ và nhập học...”, Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi Phạm Việt Hùng nói.
DUY HÙNG