Thầy giáo của trẻ em làng biển

09:08, 12/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị teo cơ chân tay và không học qua trường lớp sư phạm, nhưng suốt hơn 15 năm qua, thầy giáo Hồ Văn Tỉnh (41 tuổi), ở thôn Bàu Chuốc, xã Bình Chánh (Bình Sơn), đã trở thành “thầy giáo” của nhiều thế hệ học sinh nghèo ở làng biển này.
[links()]
Lớp học đặc biệt
 
Đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ của mình, cũng là nơi được trưng dụng làm chỗ dạy học, anh Tỉnh trải lòng về những ký ức tuổi thơ đầy chông gai của mình. Vốn sinh ra với cơ thể lành lặn, nhưng lên 2 tuổi, cậu bé Tỉnh bị sốt nặng dẫn đến teo cơ chân tay. Dù tật nguyền, nhưng trong những năm tháng cắp sách đến trường, Tỉnh vẫn không chùn bước, luôn là học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp THPT, Tỉnh đành gác lại giấc mơ vào đại học, để nhường lại chi phí học hành cho các em của mình. 
Lớp học của thầy giáo Hồ Văn Tỉnh, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Lớp học của thầy giáo Hồ Văn Tỉnh, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Vì đam mê các môn Toán, Hóa, nên dù nghỉ học, Tỉnh vẫn thường xuyên nghiên cứu, tham khảo các công thức hay, để hướng dẫn bài vở cho các em ở trong gia đình và hàng xóm. Dần dà, nhiều phụ huynh trong thôn Bàu Chuốc rồi các thôn khác biết đến cũng nhờ anh kèm cặp việc học cho các em. Cũng từ cơ duyên này, Tỉnh trở thành “người thầy đặc biệt” của các em học sinh ở làng chài này.
 
Thầy Tỉnh chia sẻ, ngày ấy, gia đình tôi rất khó khăn, nhà có đông anh chị em, bản thân mình lại tật nguyền, nên tôi đành từ bỏ việc học, để ba mẹ đỡ vất vả mà tập trung lo cho các em của mình. Ban đầu, tôi không nghĩ mình lại có duyên với bục giảng, chỉ nghĩ rằng biết chút kiến thức thì chỉ bài giúp các em tiến bộ hơn. Thật sự cũng có lúc mệt mỏi, nhức đầu bởi sự ồn ào, khó bảo của học sinh, nhưng chỉ cần vắng chúng một ngày là tôi lại nhớ da diết.
 
Ở lớp học của mình, thầy Tỉnh không chỉ dạy kiến thức mà còn tâm sự, chia sẻ với các em về những câu chuyện ở vùng quê nghèo khó của mình, về cuộc sống cơ cực của người nông dân, ngư dân, mong các em chăm chỉ học hành. Nhờ vậy, các em nhỏ đều thích đến lớp và phấn đấu vươn lên trong học tập.
 
“Học phí” của thầy là thành công của trò
 
Học sinh của thầy Tỉnh đa phần đều là con em của ngư dân làng chài sống phụ thuộc vào những chuyến biển bấp bênh. Bởi vậy, học phí ở lớp học đặc biệt này thì tùy tâm phụ huynh, nhưng đa phần đều là miễn phí. Thầy Tỉnh bảo, nếu đặt nặng chuyện tiền bạc thì sẽ không giúp đỡ được những trẻ em nghèo hiếu học. Chỉ cần được thấy các em tiến bộ từng ngày, đó mới chính là học phí trả công lớn nhất đối với thầy.  
 
Từ căn nhà nhỏ này, nhiều học trò của thầy Tỉnh bây giờ đã thành đạt, có người làm kỹ sư, giáo viên, bác sĩ... Trong lòng họ, người thầy giáo này như một tấm gương, để họ phấn đấu vượt lên những khó khăn trong cuộc sống. “Nhờ có sự chỉ dạy của thầy Tỉnh, mà từ một học sinh khó khăn, có học lực yếu, tôi mới có thể phấn đấu trở thành một kỹ sư. Những đứa trẻ vùng biển chúng tôi sẽ không bao giờ quên công ơn về người thầy giàu nghĩa tình này”, anh Nguyễn Thành Dương, ở xã Bình Chánh, bày tỏ.
 
Hơn 15 năm gieo kiến thức cho những trẻ em làng biển, bản thân thầy Tỉnh cũng không nhớ nổi mình đã dạy cho bao nhiêu học trò. Với thầy Tỉnh, chỉ cần có sức khỏe là thầy vẫn sẽ tiếp tục gieo chữ cho những em học sinh, đặc biệt là với những em trò nghèo. “Dù không được học sư phạm và có thể chưa phải là "người thầy đúng nghĩa", nhưng cứ đến Nhà giáo Việt Nam (20/11), các em học trò cũ lại ghé thăm tôi. Được nhìn thấy những đứa em và học trò của mình học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Đó chính là niềm an ủi, khích lệ lớn nhất đối với tôi”, thầy Tỉnh bộc bạch.
 
Hình ảnh về một người thầy với cơ thể khiếm khuyết, nhưng đầy tâm huyết với học trò nghèo cứ theo chúng tôi trong suốt quãng đường trở về. Dọc hành trình, chúng tôi luôn vững niềm tin rằng, yêu thương vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống quanh ta. 
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 

.