Lương mới của nhà giáo sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 |
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) đã lên tiếng giải thích về 4 dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến THPT công lập.
Tại thời điểm này, lương của nhà giáo vẫn áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Dự thảo các thông tư nói trên căn cứ vào trình độ đào tạo của giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 để áp dụng bảng lương theo Nghị định số 204.
Cụ thể, áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) đối với giáo viên, mầm non, tiểu học hạng IV có trình độ trung cấp; Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) đối với giáo viên mầm non hạng III, giáo viên tiểu học và THCS hạng IV có trình độ CĐ.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II; tiểu học, THCS, THPT hạng III có trình độ đại học được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I; giáo viên tiểu học, THCS, THPT hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38).
Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS, THPT hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78).
Như vậy, có thể thấy, điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo các thông tư là xếp lương đối với giáo viên mầm non theo bằng CĐ với hệ số lương khởi điểm 2,10; xếp lương với giáo viên tiểu học, THCS theo bằng ĐH, với hệ số lương khởi điểm 2,34.
Ông Minh cho rằng, điều này khắc phục bất cập mà đội ngũ trăn trở bấy lâu nay, khi giáo viên mầm non, tiểu học mới được tuyển dụng, hết thời gian tập sự có bằng CĐ, ĐH nhưng chỉ được xếp lương trung cấp (hệ số lương khởi điểm 1,86); giáo viên THCS có bằng ĐH chỉ được xếp lương CĐ (hệ số lương khởi điểm 2,10).
“Đối với giáo viên đang công tác, khi chuyển xếp vào bảng lương mới, hệ số lương của giáo viên vẫn giữ nguyên theo nguyên tắc chuyển ngang bằng hoặc xếp vào bậc lương cao hơn liền kề (trong bảng lương mới) so với bậc lương đang hưởng; đồng thời, sẽ được hưởng mức trần của hệ số lương cao hơn, phù hợp với trình độ đào tạo của giáo viên” – ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Đức Minh, lương và phụ cấp của giáo viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Nghị quyết số 27 ghi rõ: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Ông Minh nhấn mạnh: Chính sách tiền lương mới sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất mức độ phức tạp, đặc thù của công việc của nhà giáo.
Lương mới của nhà giáo (bao gồm lương và phụ cấp ưu đãi nghề) sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.
"Việc cải thiện về thu nhập của giáo viên qua lương cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về ưu đãi, tôn vinh nhà giáo – lực lượng quyết định đến chất lượng giáo dục" - ông Minh bày tỏ.
Theo Nhung Nguyễn/Dân Trí