Nhiều băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia

10:05, 06/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT đã có những dự thảo điều chỉnh về kỳ thi THPT quốc gia năm nay sau tác động của dịch Covid-19. Theo đó, dự kiến kỳ thi vẫn sẽ được tổ chức vào tháng 8.2020, nhưng thay vì kết quả được sử dụng để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học, thì năm nay kết quả chỉ chủ yếu để xét tốt nghiệp. 
Những điểm mới
 
Theo Bộ GD&ĐT, khác với kỳ thi trước, cấu trúc bài thi tổ hợp của kỳ thi năm nay có số lượng câu hỏi mỗi phân môn giảm, thời gian làm bài cũng giảm theo. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ tính toán đến độ phân hóa trong bài thi. Bên cạnh đó, nếu như đề thi các môn học ở các kỳ thi trước thể hiện 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao, thì năm nay 4 mức độ này sẽ điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Theo đó, số lượng câu hỏi nhận biết và thông hiểu sẽ tăng và giảm số lượng câu hỏi về vận dụng thấp và vận dụng cao. Riêng 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ về cơ bản giống như trước. 
 
Các thí sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Các thí sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
 
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết: “Bộ GD&ĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đề xuất của Bộ, thì kỳ thi nhằm mục đích đánh giá quá trình học tập trong 12 năm của học sinh để cấp bằng tốt nghiệp THPT. Kỳ thi sẽ do UBND các tỉnh, thành phố chủ trì. Bộ GD&ĐT chỉ tham gia kiểm tra, giám sát để đảm bảo công bằng, đánh giá đúng thực chất kết quả học tập. Các trường đại học, cao đẳng có thể lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường mình, cũng có thể không sử dụng kết quả này xét tuyển mà có phương án tuyển sinh riêng”.
 
Mong sớm có quy chế thi
 
Sự thay đổi phương án khi thời gian diễn ra kỳ thi không còn nhiều khiến nhiều thầy, cô giáo và học sinh lo lắng. Học sinh khá, giỏi lo lắng hơn vì các em sẽ phải trải qua hai kỳ thi khác nhau nếu đăng ký vào ngành của một trường đại học có tổ chức thi tuyển.
 
Em Lê Đình Tú, lớp 12 Hóa, Trường THPT chuyên Lê Khiết bày tỏ: “Em và các bạn rất lo lắng trước những thông tin đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức về những điểm mới thì em và các bạn phải thích nghi với những đổi mới. Trước mắt, em vẫn ôn tập bình thường để có kỹ năng giải bài tập. Khi có quy chế thi chính thức, thì cấu trúc đề minh họa sẽ có thay đổi. Lúc đó, em sẽ tập trung luyện đề”.
 
Nhiều em tỏ ra lo lắng khi các trường đại học có thể sẽ tổ chức tuyển sinh riêng. Bởi việc đi thi ở các tỉnh, thành phố khác sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em so với thi tại địa phương. Nhiều em cũng tỏ ra lo ngại về chi phí khi phải thi đại học ở các tỉnh, thành khác. Các thầy, cô giáo cũng mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố quy chế thi để thầy và trò chuẩn bị, sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới, tránh thay đổi quá nhiều, làm ảnh hưởng tới tâm lý chung.
 
Thuận lợi cho học sinh miền núi
 
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng Võ Hồng Trường, năm nay, trường có 220 học sinh lớp 12. Trường THPT Trà Bồng nói riêng và học sinh các huyện miền núi nói chung chủ yếu thi để xét tốt nghiệp. Hơn nữa, phần lớn các trường chuyên nghiệp phù hợp với năng lực học sinh miền núi ít tổ chức tuyển sinh riêng. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp là một thuận lợi cho các em.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.