Không để học sinh lớp 1 không biết đọc, không biết viết

09:04, 17/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong hướng dẫn tinh giảm chương trình phổ thông cấp tiểu học đối với môn tiếng Việt lớp 1, Bộ GD&ĐT lưu ý không để tình trạng học sinh lớp 1 không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2.
Nỗ lực dạy trẻ biết đọc, biết viết
 
Đối với học sinh (HS) lớp 1, khi bắt đầu nhớ các mặt chữ để đọc và viết được tiếng Việt cũng như nhớ các con số đơn giản, thì các em phải nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Thời gian nghỉ học dài ngày nên HS quên kiến thức cô giáo dạy trên lớp là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, điều khiến nhiều người lo lắng là trẻ sẽ không biết đọc, không biết viết tiếng Việt nếu không có sự hướng dẫn từ phía giáo viên (GV) và phụ huynh, trong khi đó tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa biết thời điểm đi học trở lại.  
Cô giáo Võ Thị Minh Thư, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) nhận xét từng bài làm của học sinh và gửi lại để động viên các em cố gắng học tập.
Cô giáo Võ Thị Minh Thư, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) nhận xét từng bài làm của học sinh và gửi lại để động viên các em cố gắng học tập.
 
Học sinh lớp 1 còn quá nhỏ để có thể tự học trực tuyến nếu không có phụ huynh ngồi bên cạnh hướng dẫn. Vậy nên, nhiều GV đã sử dụng mạng xã hội như Zalo, messenger... gửi nội dung bài tập để phụ huynh hướng dẫn cho HS học tập tại nhà. Từ ngày HS nghỉ học phòng dịch đến nay, cô giáo Võ Thị Minh Thư, chủ nhiệm lớp 1B Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) đã lập nhóm phụ huynh trên Zalo để hướng dẫn dạy cho trẻ học.
 
Cô giáo Thư định kỳ gửi bài tập tiếng Việt, Toán để phụ huynh hướng dẫn HS làm bài, sau đó gửi lại cho cô giáo để nhận xét. Trẻ học môn tiếng Việt theo chương trình giáo dục công nghệ nên nhiều phụ huynh không biết cách hướng dẫn, vì vậy cô Thư phải đọc và ghi âm cách đánh vần để phụ huynh mở cho trẻ nghe và đọc theo. 
 
Phụ huynh cũng thực hiện ghi hình trẻ tập đọc gửi lại cho cô giáo. “Nhiều phụ huynh tích cực phối hợp cùng cô giáo dạy cho trẻ học. Tuy vất vả nhưng vui, giáo viên mà không giảng dạy thì buồn lắm, chỉ mong các em biết đọc, biết viết. Khi đi học trở lại, những gì HS chưa biết, cô giáo sẽ tiếp tục hướng dẫn để các em học tốt hơn”, cô giáo Thư chia sẻ.
 
Tại Trường Tiểu học thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), các GV chủ nhiệm lớp 1 cũng tích cực liên lạc với phụ huynh để nhắc nhở con em học tập. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Châu Ổ Nguyễn Tấn Vũ, đây là cách giảng dạy tạm thời trong thời gian HS nghỉ học do phòng dịch Covid-19. Khi đi học trở lại, hai cô giáo trong Ban Giám hiệu sẽ hỗ trợ GV lớp 1 dạy cho HS để đảm bảo các em biết đọc, biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2.
 
Khó tổ chức dạy học đồng bộ 
 
Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, TS.Nguyễn Văn Hưng nhận định, việc triển khai dạy học trực tuyến đối với HS tiểu học là rất khó, nhất là đối với khối lớp 1, lớp 2 vì các em còn quá nhỏ. Tuy là thành phố, nhưng không phải gia đình nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh để con học trực tuyến. Trong tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng dịch Covid-19, Phòng GD&ĐT thành phố động viên các thầy, cô giáo nỗ lực để giúp HS duy trì việc học tập tại nhà, nhất là đối với HS lớp 1 để các cháu biết đọc, biết viết tiếng Việt.
 
Theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) Nguyễn Thị Thành, qua khảo sát của đơn vị thì ở nhiều địa phương không có điều kiện để tổ chức dạy và học trực tuyến, nhất là ở khu vực miền núi. Do vậy rất khó để tổ chức dạy học trực tuyến một cách đồng bộ cho HS tiểu học, nhất là đối với HS lớp 1. Tùy vào điều kiện ở mỗi địa phương, từng trường, từng GV sẽ triển khai hình thức giảng dạy phù hợp, giúp HS duy trì việc học trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19.
 
                 Bài, ảnh: MINH ANH
 
 
 

.