* PGS.TS. Phạm Đăng Phước
Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 7.9.2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1168/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Phạm Văn Đồng, trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi. Sự ra đời của trường đã mở ra một trang mới cho GD&ĐT của Quảng Ngãi. Trường vinh dự được mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi, nhà lãnh đạo có uy tín của đất nước ta.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trường Đại học (ĐH) Phạm Văn Đồng là trường công lập, đào tạo đa ngành, đa phương thức, trực thuộc UBND tỉnh và chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu của trường nhằm đáp ứng tại chỗ nhu cầu ngày càng tăng về lao động chuyên môn kỹ thuật, nhất là nhân lực có trình độ ĐH phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Ngãi; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ...
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (bên phải) và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến thăm và làm việc với Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: T. Phương |
Trong 10 năm qua, trường đã triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH. Từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích nổi bật. Quy mô tuyển sinh ngày càng được mở rộng, phát triển mới các mã ngành, chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên được đặc biệt coi trọng, với quan điểm, cán bộ giảng dạy là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Nhà trường đã đẩy mạnh việc thu hút đội ngũ giảng viên giỏi; động viên, tạo điều kiện cho giảng viên được đi đào tạo nâng cao, tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, học thuật, khoa học...
Đổi mới công tác tổ chức quản lý theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; cải tiến các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội; đăng ký kiểm định đánh giá ngoài và đã được công nhận là cơ sở giáo dục ĐH đảm bảo chất lượng. Thực hiện việc chuyển đổi đào tạo theo niên chế sang đào tạo tín chỉ; tổ chức lấy ý kiến người học đối với người dạy, lấy ý kiến của các bên liên quan về chương trình đào tạo, về chất lượng sinh viên tốt nghiệp... Những hoạt động trên đã giúp nhà trường thường xuyên cải tiến chương trình đào tạo, gắn nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên nhà trường...
Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ, viên chức cơ hữu của trường có 276 người (2 tiến sĩ; 68 thạc sĩ). Đến nay, cán bộ, viên chức tăng lên 351 người, trong đó có 250 cán bộ giảng dạy, gồm: 1 phó giáo sư; 18 tiến sĩ và 151 thạc sĩ; hiện có 28 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh ở các trường ĐH trong và ngoài nước. |
Trong những năm qua, nhà trường thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học; xuất bản Tạp chí Khoa học và Công nghệ thường kỳ; cử nhiều giảng viên tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm. Công tác nghiên cứu khoa học, thực tập, thực hành - thí nghiệm, thực tế của sinh viên luôn được chú trọng, nhằm giúp sinh viên gắn học với hành, gắn quá trình đào tạo với thực tiễn sản xuất. Hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, văn nghệ, TDTT, quốc phòng, dự thi Olympic Toán, Olympic Tin học, Olympic các môn Lý luận chính trị... đạt nhiều giải cao.
Trường đã hợp tác với một số trường ĐH trong nước mở các chương trình đào tạo sau đại học cho đội ngũ cán bộ, viên chức của tỉnh. Tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và các trường ĐH có uy tín; với một số công ty, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong hợp tác đào tạo và tiếp nhận bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Hợp tác với Tổ chức VVOB - Vùng Flamăng-Vương quốc Bỉ thực hiện Dự án Chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức giảng dạy tiếng Việt và đào tạo bậc ĐH cho lưu học sinh Lào, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Chămpasak, Sêkông và Attapeu của Nước CHDCND Lào. Đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp sửa chữa, mở rộng không gian, đáp ứng trước mắt đủ nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ, viên chức và sinh viên. Thành lập Học viện mạng Cisco địa phương; mua sắm và lắp đặt hàng trăm máy tính, thiết bị, phần mềm phục vụ tin học hoá công tác quản lý và dạy học. Đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm Hóa - Sinh - Môi trường hiện đại... đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin và công tác quản lý của nhà trường.
Với kết quả đạt được, trường vinh dự hai lần được Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2012 và năm 2017). Tuy còn non trẻ so với nhiều trường ĐH khác trên cả nước, song những gì nhà trường đã làm được trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Mục tiêu của trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu vừa phát triển quy mô đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục củng cố và phát triển các ngành đào tạo, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học gắn với thực tế xã hội, yêu cầu của các địa phương, doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập và trở thành cơ sở đào tạo ĐH uy tín trong cả nước./.