Những nhà giáo đặc biệt

09:11, 20/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Không được nhận quà, hoa và những lời chúc ngọt ngào từ những học sinh, với những người đang lặng lẽ hy sinh vì trẻ khuyết tật, niềm hạnh phúc chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan, có ước mơ về tương lai của học trò.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi tới thăm Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, nơi dẫn dắt những bước đi chập chững đầu tiên đầy chông gai của 120 mảnh bất hạnh. Không ồn ào trong giờ ra chơi như những ngôi trường khác, học sinh đa dạng lứa tuổi, đa dạng khuyết tật. 
 
Theo lẽ đời thường, khi con người ta bị khiếm khuyết các giác quan, không thể nghe, không thể nói, chậm phát triển về mặt trí tuệ, khoảng cách giữa họ và cuộc sống là cả một khoảng trời mênh mông. 
 
Vậy mà, các em chào đón chúng tôi là những câu chào lễ phép, cái vẫy tay chào thân thương. Để được các em gần gũi, thân thiện và nghe lời cô là cả chặng đường đầy gian nan. Ít ai biết rằng, biết bao mồ hôi, tâm huyết của cô giáo? 
 
Ở lớp khiếm thính 1 A1, cô giáo Ngọc Hương đang giúp các em  thoát ra khỏi sự thế giới của sự im lặng. Lời cô giáo vang lên thật to, chậm, ra dấu tay liên tục. Nhìn vào ánh mắt cô và trò, mới thấy sự đồng cảm vô bờ. 
 
 
Một tiếc dạy ở lớp dành cho học sinh câm điếc.
Một tiết dạy ở lớp dành cho học sinh câm điếc.
 
Dạy cho trẻ bình thường đã khó, trẻ khuyết tật vô vàng khó khăn. Trẻ chưa có nhiều vốn từ kí hiệu ngôn ngữ nên cô giáo phải sử dụng hình ảnh để cung cấp từ, dạy chậm và khẩu hình trong giảng dạy. 
 
Ở ngôi trường đặc biệt này, các thầy cô giáo vừa là người thầy vừa là cha mẹ, là bảo mẫu, vừa là thầy thuốc tâm hồn. Khi dạy các em bằng tất cả tấm lòng, phải đóng rất nhiều vai, vì các em thiệt thòi hơn rất nhiều đứa trẻ bình thường khác. 
 
“Có khi bài học đơn giản nhất là vệ sinh cá nhân, tôi phải  dạy đến 3 tuần các em mới nhớ, dạy trước quên sau”. Đó là tâm sự của cô giáo Đỗ Thị Thanh.
 
Trong giờ học lớp, có em quay ngang quay dọc, có em thẩn thờ, em chọc ghẹo nhau khóc la om sòm, có em leo lên bàn, lên cửa sổ rồi chờ cô dắt xuống. Cô Thanh dịu dàng dỗ từng em một, cầm tay từng em nắn từng nét chữ, nhẹ nhàng chỉnh tư thế ngồi cho từng em, cần mẫn dán tranh, ảnh minh họa lên bảng. 
 
Tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, cô giáo trẻ Kim Huệ về giảng dạy tại trường đã 7 năm. Quyết định của cô khiến nhiều người bất ngờ.

 

Những học sinh thiểu năng trí tuệ đã biết
Những học sinh thiểu năng trí tuệ đã biết làm những phép tính đơn giản.
 
Là người rất thích các hoạt động xã hội từ thiện, một lý do đơn giản một lần xem truyền hình thấy chiếu phóng sự về một lớp học dành cho trẻ khuyết tật, in sâu vào tâm trí của cô Huệ.
 
Rồi cô hạ quyết tâm đi theo con đường này với mong muốn góp sức mình giúp những mảnh đời bất hạnh hòa nhập với cộng đồng, dẫu biết rằng con đường mình chọn đầy rẫy chông gai.
 
Không có một giáo án chung nào cho những cô giáo đặc biệt này. Với mỗi đối tượng,  trong quá trình dạy, cô nghĩ ra các phương pháp để phù hợp với từng em. Em thì dạy theo phương pháp mầm non, em lại theo tiểu học.
 
Nhiều khi cô giáo cảm thấy bất lực, không biết làm thế nào để các em hiểu bài học như những học sinh bình thường! Dẫu, yêu cầu của phụ huynh là giúp con họ kỹ năng, không cần kiến thức, nhưng các cô vẫn muốn trang bị cho các em những kiến thức cơ bản nhất để hòa nhập với cuộc sống đời thường
 
“Em từ trên núi xuống, em từ biển lên. Gia đình các em đa phần là nghèo, bố mẹ làm ruộng hoặc làm các công việc với đồng lương ít ỏi. Bù đắp được phần nào cho học sinh khuyết tật, tôi sẽ cố gắng hết sức. Không thấy vất vả mà tôi hạnh phúc vì con đường mình đã chọn, chỉ thấy thương các em thật nhiều”- cô Huệ trải lòng. 
 
Không mong các em trở thành kỹ sư, bác sỹ, không mong được nhận quà, hoa và những lời chúc ngọt ngào từ những học sinh nhân ngày 20.11, hạnh phúc của những nhà giáo đặc biệt này là khi thấy các em tiến bộ từng ngày và mỗi bước tiến bộ của các em, dù là rất nhỏ nhưng đã là mòn quà vô vùng ý nghĩa của cả thầy và trò.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.