(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình trường học bán trú đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn cần sự tiếp sức của toàn xã hội để phát triển mô hình này, giúp học sinh vùng cao học tập tốt hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học
Ở các huyện miền núi, do điều kiện đi lại, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gặp khó khăn nên có nhiều học sinh bỏ học, đi học "giã gạo". Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú ở các huyện miền núi, đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí giữa miền núi và đồng bằng.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Liên. Ảnh: K.N |
Từ năm 2015 đến nay, huyện Sơn Tây đã tạo điều kiện chuyển đổi mô hình học bán trú cho ba trường gồm: Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Màu, với gần 250 học sinh. Mỗi học sinh hằng tháng được hỗ trợ hơn 480 nghìn đồng, 15kg gạo, nhờ đó giúp các em ổn định chỗ ăn, ở, chăm lo học tập. Còn tại Trà Bồng, năm học 2016-2017 toàn huyện có 1.266 học sinh được ăn, ở, học tập ở môi trường bán trú.
Ông Trần Minh Điệp - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết: “Tỷ lệ học sinh bỏ học ở địa phương trước đây luôn ở mức cao, nhất là vào các thời điểm kết thúc kỳ nghỉ hè, sau nghỉ Tết Nguyên đán hoặc vào tháng giáp hạt. Từ khi áp dụng mô hình bán trú, tình trạng bỏ học giảm hẳn, các em có điều kiện học tập tốt hơn, được giáo viên thường xuyên hướng dẫn học tập, qua đó chất lượng giáo dục từng bước nâng lên".
Theo kế hoạch đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 20 trường phổ thông dân tộc bán trú. Đến nay, ở các huyện miền núi đã thành lập được 15 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường còn lại đang trong giai đoạn xây dựng hoàn thành.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường bán trú, đồng thời thành lập, xây dựng 27 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện miền núi. Sở đang rà soát, đánh giá hiệu quả của các trường bán trú, việc thực hiện các cơ chế, chính sách để tham mưu, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho học sinh miền núi học tập tốt hơn. Phó giám đốc Sở GD&ĐT TRẦN HỮU THÁP. |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Hiệu quả của mô hình trường học bán trú đã thấy rõ, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần sự tiếp sức của toàn xã hội để học sinh miền núi an tâm học tập. Nhiều trường bán trú thiếu trang thiết bị, nguồn nước phục vụ sinh hoạt chủ yếu từ sông, suối; chưa có nhà hiệu bộ, thiếu phòng học nên ở một số nơi phải học 3 ca.
Nhiều trường được đầu tư xây dựng phòng ở cho học sinh bán trú nhưng lại không có giường nằm, bàn ghế học tập. Học sinh thiếu các hoạt động giải trí, vui chơi, thể dục thể thao, vì không có sân chơi, bãi tập.
Nhiều trường chưa có bếp ăn, nhà ăn, không có biên chế cấp dưỡng để phục vụ ăn uống cho học sinh. Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Sơn Long (Sơn Tây) trăn trở: "Toàn trường có hơn 100 học sinh có nhu cầu ở bán trú vì điều kiện xa trường, nhưng do thiếu phòng ở, nên trường chỉ giải quyết chỗ ở cho khoảng 80 em. Chúng tôi tự phân công giáo viên và học sinh tổ chức bữa ăn, chứ chưa có kinh phí để thuê nhân viên cấp dưỡng".
Chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú cũng là điều đáng bận tâm. Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Liên (Sơn Tây), bữa ăn chính của học sinh chỉ với hơn 7 nghìn đồng/suất. Thầy Trần Hữu Duy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi ngày, theo chế độ hỗ trợ 116, mỗi em được hỗ trợ tiền ăn hơn 20 nghìn đồng. Với số tiền này chỉ đủ các em ăn trưa, nhưng trường linh động cho các em ăn ba bữa trong ngày. "Nguồn thực phẩm từ miền xuôi chở lên nên giá đắt gấp hai lần. Số tiền hỗ trợ quá ít, nên chúng tôi phải "liệu cơm gắp mắm" để duy trì bữa ăn cho các em”, nhân viên cấp dưỡng của trường kiến nghị.
K.NGÂN-M.HẠ