(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm qua, thầy giáo Bùi Đỉnh- giáo viên điểm trường Tập đoàn 14, Trường Tiểu học xã Sơn Liên (Sơn Tây) đã hết lòng với nhiều thế hệ học trò nơi vùng cao nghèo khó này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dụ học trò ra lớp bằng kẹo
Cơn mưa rừng như trút nước giữa tiết trời mùa đông khiến con đường vào điểm trường Tập đoàn 14, Trường Tiểu học xã Sơn Liên, nơi thầy Đỉnh công tác càng thêm lầy lội. Hơn một giờ đồng hồ tôi được một anh cán bộ phòng giáo dục "thồ" trên chiếc xe chuyên dụng mới đến nơi.
Giữa núi rừng thôn Tang Tong vang tiếng ê a đọc bài và đôi mắt "khát chữ" của những đứa trẻ do thầy giáo Đỉnh phụ trách, làm tôi vơi đi những nhọc nhằn trên hành trình đến nơi này. Tranh thủ giờ ra chơi, thầy Đỉnh chia sẻ cùng tôi câu chuyện “gieo chữ” của mình.
Thầy Đỉnh bên học trò thân yêu. |
Quê thầy ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi, thầy lên dạy học ở vùng cao Sơn Tây. Thầy kể, những ngày đầu thầy cùng các giáo viên phải lội bộ từ Sơn Hà lên huyện Sơn Tây. Đến nơi, thì đôi chân ai cũng rớm máu. Vào được lớp “cắm bản” tại Tập đoàn 2, xã Sơn Mùa càng gian khó hơn. Nhiều đoạn phải "vạch rừng" tìm đường mòn mà đi.
Ban ngày thầy cùng đồng bào dựng lều làm lớp học. Tối đến vận động trẻ ra lớp. “Thời ấy, chúng tôi vừa giảng dạy vừa vận động các gia đình đưa trẻ ra lớp. Điều kiện ăn, ở đều nhờ vào nhà dân. Người dân chia sẻ cùng chúng tôi hạt muối ít ỏi với cơm độn sắn và mớ rau rừng trong những ngày đông giá rét. Cá, thịt bấy giờ là món xa xỉ”, thầy Đỉnh nhớ lại thời gian khó.
Thầy Đỉnh chuyển qua nhiều lớp “cắm bản”, nhưng điểm trường tại Tập đoàn 14, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa thôn Tang Tong, xã Sơn Liên là nơi thầy gắn bó lâu hơn cả. Lớp học do thầy đảm trách là lớp 1. Đây là lớp khó trong khối tiểu học. Hằng ngày, để vận động các em đến lớp học, không học giã gạo, thầy phải mang theo cái bánh, cây kẹo, bút viết... để “dụ” học trò của mình. Không chỉ dạy chữ, thầy Đỉnh còn phải nỗ lực học tiếng địa phương để làm quen, thuyết phục, vận động học sinh đi học. Nhờ biết tiếng địa phương, nên thầy giao tiếp và truyền đạt tiếng Việt cho học trò dễ dàng hơn. Nhiều trẻ ban đầu còn bỡ ngỡ khi đến lớp được thầy dìu dắt cũng đã biết phát âm, biết đọc, biết viết những chữ cái đầu tiên.
Thầy Bùi Đỉnh là một giáo viên năng động, luôn có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Hơn chục năm liền thầy là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp huyện. Đối với học sinh, thầy Đỉnh luôn hết lòng quan tâm, giúp đỡ... Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Liên (Sơn Tây), NGUYỄN NGỌC HUỀ |
Hết lòng vì học trò
Xuất phát từ tình thương yêu vô hạn với những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn, mỗi khi có điều kiện về quê, thầy Đỉnh làm "cây cầu" kết nối nhiều tấm lòng thiện nguyện ở miền xuôi mang đến những phần quà gồm: Sách vở, đồ dùng học tập, quần áo... cho học sinh thân yêu của mình. Những đứa trẻ tiểu học nơi đây thêm đôi dép, thêm tấm áo vơi đi cái rét mùa đông... càng tiếp thêm ngọn lửa yêu thương các em trong thầy Đỉnh.
Sau những buổi dạy, thầy Đỉnh lại luân phiên các ngày trong tuần, chở một số em tiếp thu chậm về nhà cho ăn cơm rồi phụ đạo thêm kiến thức, chiều chở các em quay lại lớp học. Cứ thế, trẻ em vùng cao nơi đây biết cái chữ nhanh hơn. Thầy Đỉnh còn dạy cho các em biết cách ăn chín, uống sôi, ngủ phải mắc màn để khỏi muỗi đốt. Với các em học sinh ở đây, thầy Đỉnh không chỉ là người thầy đứng trên bục giảng, mà còn là người cha, người mẹ của các em.
Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, được thầy Đỉnh giúp đỡ, có điều kiện đến trường không thể kể hết. Em Đinh Văn Dung, ở thôn Tang Tong là một trong những trường hợp ấy. Thầy Đỉnh đến nhà vận động ông bà cho em đến lớp. Rồi tự thầy bỏ tiền túi để mua đồ dùng học tập, quyên góp quần áo giúp em có điều kiện đến lớp. Nhờ vậy mà nay em có điều kiện theo học đến lớp 5. Với học trò vùng cao, tiếng Việt luôn là rào cản, nhưng để các em hiểu bài, thầy Đỉnh vừa dạy vừa dịch sang tiếng Ca Dong cho các em. Trong quá trình giảng dạy, thầy có nhiều sáng kiến giúp học sinh phát âm đúng chuẩn tiếng Việt. Những sáng kiến ấy được Phòng GD&ĐT huyện ghi nhận và ứng dụng tại nhiều điểm trường.
Chia tay lớp học nơi rẻo cao, tôi hiểu rằng, chỉ có tình yêu sâu sắc với học trò, với nhân dân nơi đây mới làm nên sợi dây tình nghĩa níu chân thầy Đỉnh ở lại vùng đất đầy khó khăn này để gieo chữ, gieo ước mơ và niềm tin cho bao lớp học trò.
Bài, ảnh: KIM NGÂN