Thiếu kỷ cương, giáo dục khó bề chất lượng

02:09, 28/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vấn đề nền nếp, kỷ cương trong nhà trường đang được ngành giáo dục và đào tạo quan tâm chấn chỉnh đối với cả nhà giáo và học sinh. Nhiều người cho rằng, nếu thiếu nền nếp, kỷ cương, công tác giáo dục khó bề đạt chất lượng.  

TIN LIÊN QUAN

Lo lắng khi HS ra khỏi cổng trường

Nói về đạo đức học sinh (HS), nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thở dài vì cho rằng, bây giờ có nhiều HS thiếu lễ phép đối với người lớn tuổi, đối với thầy, cô giáo, mặc dù nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở. Vẫn còn tình trạng nhiều HS nói tục, chửi thề, nghiện games, lơ là việc học, thậm chí HS còn hút thuốc lá, hút “cỏ Mỹ”, xăm vẽ hình trên người để chứng tỏ mình. Mỗi ngày đến trường, các em đều nhìn thấy dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng đối với không ít học sinh, điều này dường như chưa đi vào tâm thức.  
 

Bằng những việc làm cụ thể, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi .                                                                                                                                                   (ảnh minh họa).
Bằng những việc làm cụ thể, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi . (ảnh minh họa).


Thầy giáo Bùi Tấn Ngọc - Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) không ngần ngại cho biết một số bất cập cần phải chấn chỉnh trong HS của trường, đó là tình trạng HS nói tục, chửi thề, nhất là HS nam. Học sinh cố tình sử dụng điện thoại trong giờ học, mặc dù nhà trường có quy định cấm. Trường cũng nghiêm cấm HS đi xe máy, nhưng nhiều em vẫn cố tình vi phạm.

Việc dạy chữ - dạy người cho HS cần phải dành thời lượng nhiều hơn trong nhà trường. Trước thực trạng chung về nền nếp, tác phong của HS ở nhiều trường học, một số nhà quản lý giáo dục cho rằng cũng một phần do lỗi từ phía trường học, đó là “sính” bệnh thành tích, thi thố, trong khi đó giáo dục đạo đức cho HS chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên, thầy giáo Bùi Tấn Ngọc cũng cho rằng: “Khó là ở ngoài nhà trường. Trong trường học có nhiều bài học thấm thía, nhưng khi các em ra khỏi cổng trường thì có nhiều  cái xấu cám dỗ, bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, khi đó thì nỗ lực của nhà trường cũng khó giải quyết vấn đề”.

Trách nhiệm của người thầy

Đầu năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT đã có văn bản chấn chỉnh nền nếp, tác phong của giáo viên và HS trong trường học. Cùng với mặt hạn chế trong HS như đã nêu trên, Sở GD&ĐT cũng đã thẳng thắn chỉ rõ tình trạng nhiều giáo viên dùng lời lẽ thiếu tôn trọng, xúc phạm HS; nhiều giáo viên sử dụng điện thoại, lướt web trong giờ giảng dạy... Sở GD&ĐT cũng đưa ra những quy định trong ứng xử, tác phong của giáo viên và HS trong trường học.

 Văn bản chấn chỉnh nền nếp, tác phong của giáo viên và HS nhận được sự đồng tình của nhiều người. Ông Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, bày tỏ: “Thầy giáo là những người đứng lớp giảng cho HS những bài học về đạo đức, nhân cách sống thì chính bản thân người thầy phải thật sự là tấm gương sáng để HS noi theo, chứ không phải nói suông”.

Tại huyện Tư Nghĩa, Trưởng Phòng GD&ĐT Trương Quang Dũng đã dành thời gian nói chuyện với hơn 1.300 giáo viên trong toàn huyện nhân dịp bồi dưỡng chính trị trong dịp đầu năm học mới. Điều mà ông Dũng chỉ đạo các trường, đội ngũ giáo viên phải lưu tâm hàng đầu là chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong nhà trường. “Không kỷ cương thì khó bề đạt chất lượng.

Năm học 2016 - 2017, toàn huyện Tư Nghĩa quyết tâm xây dựng kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng dạy học”, ông Dũng nhấn mạnh. “Mỗi người thầy phải tự nhìn nhận lại mình để chấn chỉnh những điểm chưa đúng về tư cách, tác phong, ứng xử, đặc biệt là thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Người thầy phải là hình ảnh đẹp để HS noi theo, phải là người thổi vào HS niềm đam mê để học tập tốt hơn”, ông Dũng nói thêm.

Ông Trần Hữu Tháp - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở GD&ĐT  không đưa ra quy định cứng nhắc trong xây dựng văn hóa nhà trường. Các trường phải có trách nhiệm, sáng tạo để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Để công tác giáo dục HS đạt hiệu quả, phải chú trọng xây dựng nền nếp, kỷ cương trong nhà trường. “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là điều mà ở tất cả các trường đều phát động thực hiện.
              

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.