Chương trình giáo dục công nghệ lớp 1: Cả phụ huynh và giáo viên đều lo

02:07, 18/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình giáo dục công nghệ lớp 1 được đánh giá có tính ưu việt "dạy đến đâu học sinh đọc thông, viết thạo… đến đó". Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng nên cho con đi học trước chương trình. Điều này sẽ gây khó cho học sinh lẫn giáo viên trong năm học mới.

TIN LIÊN QUAN

Phụ huynh lo

Đến nay, bé Đinh Tuệ Hân, con chị Nguyễn Thị Tuyền, ở tổ 16, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đã học thêm chương trình lớp 1 gần 2 tháng. Bé Hân vừa mang cặp bước vào nhà sau buổi học thêm, mồ hôi ướt đẫm, bà Nguyễn Thị Hằng (bà nội của bé Hân), hỏi: Hôm nay con đọc được chữ gì? Bé Hân liền đọc hai câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Để khuyến khích tinh thần cháu, bà Hằng bảo: Con giỏi đấy! Nhưng cùng lúc đó bà đưa mắt về phía tôi rồi lắc đầu như cảm thấy có điều gì đó không vừa lòng. Bà nói: Tôi là nhà giáo về hưu, nhưng giờ mở cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 không biết chỉ cho cháu thế nào. Vậy nên bố mẹ cháu phải cho cháu đi học thêm ngay từ đầu hè, với mong muốn cháu theo kịp bạn bè.  

 Nhiều phụ huynh lo lắng với sách dạy theo chương trình giáo dục công nghệ lớp 1.
Nhiều phụ huynh lo lắng với sách dạy theo chương trình giáo dục công nghệ lớp 1.


Cũng theo bà Hằng, khu phố này ai có con cháu chuẩn bị vào lớp 1 thì đều cho con đi học trước, vì chương trình Tiếng Việt lớp 1 khá nặng. Chị T. giáo viên mầm non có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng phải cho con đi học trước chương trình, với mong muốn con mình theo kịp bạn bè.

Cô giáo Tuyết (nguyên giáo viên Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo), cho biết: Nhu cầu của phụ huynh cho con học trước chương trình lớp 1 là rất lớn, nhưng cô cũng chỉ nhận giúp khoảng 10 cháu. Còn một giáo viên đang dạy tiểu học thì khuyên: "Dù chỉ tập cho các cháu làm quen với sách, tập cho các cháu nghe tiếng, đọc, viết… nhưng nên cho các cháu đi học trước, phụ huynh nào không cho con đi học coi như vào năm học mới không theo kịp bạn".
 

“Chương trình giáo dục công nghệ lớp 1 không quá khó, nhưng còn mới, vì thế giáo viên nên dành thời gian trong ngày hè để nghiên cứu chuẩn bị dạy tốt trong năm học mới, còn phụ huynh cũng không nên quá lo lắng”.
LÊ THỊ KIM ÁNH – Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT).

Phải tuân thủ quy định của ngành

Theo bà Lê Thị Kim Ánh – Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT), năm học 2016 – 2017, có 100% trường tiểu học trong tỉnh triển khai chương trình giáo dục công nghệ lớp 1. Chương trình này có nhiều điểm khác so với cách dạy hiện hành.

Giáo viên giúp cho học sinh nắm vững quy trình: Ngữ âm, viết, đọc và nắm chắc luật chính tả, cấu trúc ngữ âm. Nắm vững các quy trình này thì học sinh sẽ đọc thông, viết thạo, không tái mù.

"Chương trình giáo dục công nghệ lớp 1 xuất phát ban đầu dành cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào thiểu số, nhưng do tính ưu việt của chương trình nên được triển khai rộng rãi. Vì vậy, đối với trẻ ở thành phố, thị trấn, vùng đồng bằng thì chương trình này không quá khó. Vấn đề phụ huynh, giáo viên lo lắng cho con học trước, dạy trước là không nên", bà Ánh nhấn mạnh.

Theo bà Vũ Thị Kim Loan– chuyên viên phụ trách Tiểu học Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành, đơn vị đi đầu trong việc triển khai chương trình giáo dục công nghệ lớp 1, nhận định: Không nên dạy trước chương trình cho các cháu, vì các lớp dạy thêm thường rơi vào các cô giáo đã nghỉ hưu. Họ chưa được tập huấn chương trình mới, nên vẫn dạy theo chương chương trình cũ, do đó sẽ gây khó cho cả giáo viên và học sinh khi vào năm học.

Đối với giáo viên đã được tập huấn dạy chương trình mới thì cũng không nên mở lớp dạy thêm. Vì như vậy, các cháu mất đi tuổi thơ trong ngày hè, đồng thời sẽ gây áp lực cho các cháu không đi học trước và gây nhàm chán cho các cháu đã học rồi.

Được biết, sắp đến Sở GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở, cá nhân mở lớp dạy thêm, học thêm. Qua đó, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của ngành.


 Bài, ảnh: TRƯỜNG AN



 


.