Dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục: Những kết quả bước đầu

10:02, 13/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2014- 2015, toàn tỉnh có 62 trường tiểu học của 6 huyện, thành phố triển khai dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn. Sau hơn 1 học kỳ triển khai, chương trình này đã gặt hái được những kết quả bước đầu.

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tài liệu tiếng Việt lớp 1- công nghệ giáo dục được thiết kế theo nguyên tắc: “Thầy giao việc- trò thực hiện” nên đã tạo cho giáo viên phương pháp dạy tích cực, học sinh (HS) thích thú trong học tập. Tài liệu thiết kế cho các dạng bài, các mẫu của từng tiết dạy nên giáo viên không cần phải soạn bài, có thời gian chuẩn bị và nghiên cứu bài dạy đạt hiệu quả cao hơn. Kiến thức và năng lực của giáo viên được nâng lên rõ rệt qua quá trình dạy học. HS nắm được cấu trúc tiếng, luật chính tả trong quá trình vận dụng.

 

Dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục giúp trẻ học tích cực hơn.
Dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục giúp trẻ học tích cực hơn.

Thầy Nguyễn Đình Thành - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành, khẳng định: Dạy theo chương trình này, HS tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm tương đối chuẩn. Khi tham gia chương trình mới, HS tích cực và chủ động tham gia vào hoạt động học, tạo ra sản phẩm cho chính mình. Khi học, các em chủ yếu học âm và vần. Đáng chú ý là cách học này, HS sẽ chuyển từ việc biết nói sang ký hiệu, từ ký hiệu chuyển thành chữ viết. Với cách dạy này sẽ giúp phát huy được kinh nghiệm sống của HS, giúp giáo viên giải thích từ với HS cặn kẽ hơn mà không áp đặt.

Trao đổi với chúng tôi, đa số giáo viên lớp 1 dạy chương trình này đều cho rằng, đây là chương trình hoàn toàn mới, giáo viên phải có nhiều nỗ lực nhằm truyền tải hết những gì chương trình muốn mang lại cho học sinh. Sau một học kỳ thực hiện, chương trình có vẻ nặng đối với giáo viên, nhưng đã mang lại chuyển biến tích cực trong học tập của học sinh.

Ở huyện miền núi Minh Long, trong những tuần đầu giáo viên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình này. Phụ huynh thì bỡ ngỡ vì chưa thấu suốt. Như ở Trường Tiểu học Long Mai 1, có 182/183 em là con em người đồng bào dân tộc thiểu số nên chắc chắn có sự hạn chế trong nhận thức. Vì vậy sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc giáo dục trẻ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Phòng GD&ĐT đã tổ chức sinh hoạt cụm để các giáo viên chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nên cuối học kỳ I đã đem lại những kết quả tích cực. Các em tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu hơn. Song, đối với những em HS yếu, thiếu sự quan tâm của gia đình thì tiếp xúc với chương trình này gặp nhiều khó khăn. “Trước thực tế đó, BGH nhà trường đã động viên giáo viên chủ nhiệm giảm thời lượng cho một số môn học khác để dành thời gian dạy cho các em môn tiếng Việt”, cô Nguyễn Thị Đào- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Mai 1, nói.

Ông Đặng Phiên- Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở GD&ĐT, cho biết: Chương trình này tạo cho HS tính bền vững về ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là nền tảng để khi các em lên lớp 2 có vốn tiếng Việt nhất định và khắc phục tình trạng viết sai chính tả. Muốn đánh giá cụ thể chương trình mới có nặng đối với HS hay không đòi hỏi phải qua một giai đoạn. Giáo viên được tập huấn nên có đủ năng lực, chuyên môn để đáp ứng phương pháp dạy học mới này.
 
Đối với phụ huynh thì có băn khoăn là do tâm lý chưa quen với tài liệu và phương pháp mới. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai thực hiện, các bậc phụ huynh đã dần hiểu và trên thực tế đã đồng thuận. Thầy Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết thêm, tinh thần của chương trình này là thầy thiết kế- trò thi công. Đây là cách dạy học mới theo thiết kế chương trình có sẵn, có tính ưu việt nhất định. Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới sẽ phổ biến dạy tiếng Việt theo chương trình công nghệ giáo dục.
 
Bài, ảnh: T.PHƯƠNG
 

.