(Báo Quảng Ngãi)- Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, hằng năm có từ 20 đến 25 học sinh giỏi cấp quốc gia. Tuy nhiên để đạt kết quả như nghị quyết đề ra, cần sớm tháo gỡ những khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không “mặn mà” với việc thi HS giỏi quốc gia
Chỉ những học sinh có năng lực thực sự mới được chọn tham gia đội tuyển thi chọn HS giỏi cấp quốc gia. Đây là điều lấy làm tự hào, thế nhưng trên thực tế có không ít học sinh từ chối việc tham gia đội tuyển thi HS giỏi cấp quốc gia. Về phía phụ huynh, một số người không thích, thậm chí là ngăn cản không cho con tham gia vào đội tuyển. Nguyên nhân vì sao? Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, ngôi trường được xem là niềm tự hào của tỉnh về số lượng HS đạt giải HS giỏi cấp quốc gia, thì có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu liên quan đến công tác bồi dưỡng HS giỏi cấp quốc gia cũng như cơ chế, chính sách đãi ngộ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích (bên phải) khen thưởng cho học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2016. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG |
Ông Trần Đình Vợi - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết cho biết, tâm lý HS cũng như phụ huynh là nhìn vào thực tế khi lựa chọn hướng đầu tư cho việc học. Việc đầu tư để thi HS giỏi cấp quốc gia tốn khá nhiều thời gian và công sức. Trong khi đó, nhiều HS chỉ chú tâm vào việc học với mục đích thi vào đại học. Có trường hợp HS năm trước đạt giải cấp quốc gia môn Lý, nhưng năm sau không “mặn mà” với việc thi chọn HS giỏi cấp quốc gia với lý do tập trung ôn tập môn Sinh học, cũng như các môn còn lại của khối B để thi tuyển vào ngành y. Có HS năm trước đạt giải cấp quốc gia môn Ngữ văn, nhưng năm sau không thích đi thi HS cấp quốc gia vì chọn thi ĐH khối A1. “Có những HS đồng ý đi thi sau khi thầy cô giáo động viên, thuyết phục, nhưng như vậy thì không quyết tâm cao, sự đầu tư không được tập trung”, Hiệu trưởng Trần Đình Vợi bộc bạch.
Là người có thâm niên 36 năm đứng lớp, dày dạn kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng HS giỏi cấp quốc gia môn Địa lý, thầy giáo Lê Đình Diệp - Trường THPT Bình Sơn, chia sẻ: “Phát hiện HS ham học, có năng lực, rồi động viên, kiên trì bồi dưỡng là cả một chặng đường dài, đôi khi khó khăn làm con người ta nản chí. Các em đầu tư để thi HS giỏi cấp quốc gia tốn thời gian và vất vả rất nhiều so với học ở trường. Phải dẫn các em về nhà ôn thi, chứ chỉ học ôn trên trường thì không đủ, do vậy HS chịu nhiều áp lực”.
Cần cơ chế, chính sách để khích lệ
Thầy giáo Lê Đình Diệp thổ lộ rằng, quyết tâm là chìa khóa của mọi thành công, dù khó khăn nếu quyết tâm thì sẽ vượt qua, đó là cách mà ông đã thực hiện và dạy cho HS của mình. Nhờ đó mà một ngôi trường ở huyện như Trường THPT Bình Sơn có đến 8 HS đạt giải HS giỏi cấp quốc gia môn Địa lý, đều do thầy giáo Diệp dạy bồi dưỡng. Nhiều cán bộ quản lý và giáo viên đồng tình với suy nghĩ của thầy Diệp, tuy nhiên để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần quyết tâm của HS và giáo viên trong việc ôn tập, bồi dưỡng HS thi chọn HS giỏi cấp quốc gia thì tỉnh cần có cơ chế, chính sách để động viên, khích lệ cả về vật chất lẫn tinh thần, đó là cách mà nhiều tỉnh, thành từ lâu đã thực hiện.
Những năm gần đây, để đạt kết quả cao trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia, một số trường đã mời giáo viên có học hàm, học vị ở các trường ĐH danh tiếng bồi dưỡng kiến thức cho HS tham gia đội tuyển dự thi quốc gia. Học sinh “khăn gói” đến thành phố lớn để ôn luyện và tất nhiên kèm theo đó là nỗi lo về kinh phí. Cán bộ quản lý giáo dục ở một trường THPT từng gửi HS đi bồi dưỡng để thi HS giỏi cấp quốc gia cho biết, gia đình của một số HS không có điều kiện để chi trả khoản tiền này, nhà trường phải vất vả vận động từ nhiều nguồn, quyên góp từ nhiều mạnh thường quân. Và do vậy, việc gửi HS đi ôn thi HS giỏi cấp quốc gia cũng thiếu tính đồng nhất, đồng tình.
Trường THPT Bình Sơn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong khối các trường THPT công lập không chuyên về số lượng HS giỏi cấp tỉnh. Theo ông Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng nhà trường, thì việc bồi dưỡng HS giỏi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Học sinh, phụ huynh, giáo viên, kinh phí... Hiệu trưởng Phạm Thạch Sinh cho biết, năng lực của HS thì có nhưng đôi khi phụ huynh hợp tác chưa tốt, HS chưa thật quyết tâm ôn tập để tham gia đội tuyển thi chọn HS giỏi quốc gia và kinh phí để bồi dưỡng là rất tốn kém, trong khi khả năng của trường có hạn.
“Đối với trường, giáo viên bồi dưỡng HS đạt giải HS giỏi cấp quốc gia thì chỉ có động viên, còn về ngân sách thì không có để khen thưởng. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách xứng đáng dành cho học sinh và giáo viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển dự thi HS giỏi cấp quốc gia”, ông Sinh đề xuất.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ