Quảng Ngãi: Chuẩn hóa công tác dạy và học nghề

03:01, 03/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, tỉnh ta rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ). Các trường dạy nghề cũng từng bước nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo.

TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục khảo sát thực trạng nhu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo nghề nhằm xây dựng kế hoạch, ngành nghề đào tạo cho phù hợp với yêu cầu sử dụng nhân lực của các DN, công ty đóng trên địa bàn; đồng thời khảo sát nhu cầu học nghề của lao động xã hội, nhất là lao động biển để có định hướng chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trong giai đoạn hội nhập khu vực ASEAN hiện nay. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường dạy nghề thuộc tỉnh quản lý để có đủ năng lực tham gia đào tạo, phát triển nhân lực qua đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo lao động có tay nghề cao theo Chương trình hành động số 54 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/BBT của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Chuẩn hóa cơ sở vật chất, giáo viên

Đến cuối năm 2015, Quảng Ngãi có khoảng 40 cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề, trong đó có 6 trường trung cấp nghề (TCN), cao đẳng nghề (CĐN) được đầu tư bài bản, quy mô. Các cơ sở này được Trung ương và địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề. Tỉnh còn được Bộ LĐ-TB&XH chọn 5 trường đưa vào Dự án đầu tư 16 nghề trọng điểm, trong đó có 3 nghề đạt trình độ tiên tiến khu vực Đông Nam Á; 6 trường đạt trình độ quốc tế và 7 nghề đạt trình độ quốc gia. Việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình, giáo trình đã từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của NLĐ, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2014, có trên 1.200 người, trong đó cán bộ quản lý trên 244 người và giáo viên cơ hữu gần 730 người, trình độ tiến sĩ 4 người, thạc sĩ 110 người, 70% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định, trong đó, giáo viên dạy nghề tại các trường CĐN, TCN cơ bản được chuẩn hóa. Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch phù hợp, sát thực tế với nhu cầu học nghề của từng địa phương. Nhờ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, đáp ứng đa dạng ngành nghề cho các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng.

Nhiều công nhân được đào tạo nghề trước khi vào làm việc ở Công ty may Vinatex Tư Nghĩa.
Nhiều công nhân được đào tạo nghề trước khi vào làm việc ở Công ty may Vinatex Tư Nghĩa.
Theo thống kê của Sở LĐ - TB&XH, đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động ở tỉnh đã qua đào tạo nghề đạt 45% (100% chỉ tiêu kế hoạch). Trong đó, HSSV đang học CĐN, TCN trên 9.500; số tốt nghiệp CĐN, TCN trong năm gần 2.100 HSSV. Tỷ lệ có việc làm đạt 75%.

 Đào tạo theo địa chỉ

Để hạn chế lãng phí thời gian và tiền của trong đào tạo nghề cho HSSV, nhiều năm qua, các trường dạy nghề trong tỉnh đã linh hoạt đào tạo nghề theo địa chỉ. Em Hoàng Công Vinh, công nhân vận hành và sửa chữa điện hệ thống máy chiết rót thuộc Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy Quảng Ngãi, bộc bạch: “Nhờ nhà trường đào tạo nghề, kỹ thuật vận hành máy rất phù hợp với công việc thực tế, nên sau khi ra trường em được giới thiệu vào công ty làm mà không phải lúng túng với công việc được giao. Hiện bình quân 10 triệu đồng, em khá hài lòng với công việc mình đang làm”.

Ông Nguyễn Văn Thân- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất, cho biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ kỹ thuật cao ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều. Hằng năm, trường trích kinh phí hàng tỷ đồng để đầu tư thiết bị, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng dạy và liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề theo nhu cầu. Nhiều HSSV học các nghề công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cơ khí, vận hành máy... ra trường đều có việc làm ổn định. Năm học 2014- 2015, trường có khoảng 343 HSSV cao đẳng, trung cấp ra trường thì đã có 85% đã có việc làm.

Các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm cho HSSV, tạo cơ hội việc làm cho các em sau khi hoàn thành khóa học. Với cách làm đó, các trường đã tạo uy tín, niềm tin đối với xã hội, phụ huynh và học sinh. Số lượng HSSV chọn học nghề ở các trường dạy nghề ngày càng cao. Trong năm 2015, các trường CĐN đã tuyển được trên 1.550 HSSV (đạt 86,39% kế hoạch); TCN tuyển trên 2.860 HSSV (81,71 %). Đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 18.000 lao động; trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956  đạt 115% kế hoạch.

 

TRƯỜNG AN


.