(Báo Quảng Ngãi)- Là một gia đình người Cor quanh năm sinh sống nhờ nương rẫy, nhưng vượt lên mọi khó khăn để lo cho 8 người con đến trường. Đó là câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó, hiếu học của gia đình ông Hồ Văn Út (52 tuổi) và bà Hồ Thị Lương (51 tuổi) ở tổ 5, thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh (Tây Trà).
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Hành trình" kiếm con chữ
Bên chén trà nóng ngày cuối năm, ông Út kể cho chúng tôi nghe những nốt thăng trầm trong cuộc đời. Ông lấy vợ năm 20 tuổi, sinh được 8 người con, nên dù có mấy hécta rẫy nhưng với 2 lao động, quanh quẩn với cây lúa, mì nên chẳng đủ no. Khi các con đến tuổi đi học, khó khăn lại càng chồng chất. Ngày đó, cả xã Trà Lãnh chỉ có một trường cấp I và cấp II, muốn học lên cấp III học sinh phải lên tận Trà Phong. Con đường đến trường dài 4 -5 cây số, ngày nắng cũng như ngày mưa đều phải đi bộ, vượt núi rừng, nên “hành trình” kiếm con chữ của 8 người con ông Út cũng đầy gian nan. Từ quyển sách, tập vở đến quần áo, cặp, dép đều được dùng chung, anh, chị để lại cho em, nhưng cả 8 người con của ông đều không muốn bỏ học nửa chừng.
Những tấm giấy khen của con cái là tài sản quý giá của gia đình ông Út, bà Lương. |
Để vơi đi bớt khó khăn, vợ chồng ông Út đã khai hoang vỡ hoá đất trồng keo, trồng quế và tận dụng mảnh vườn nhà trồng chuối xen canh với ớt, đu đủ để có thêm thu nhập. Mỗi mùa mỗi loại cây trồng, cứ như vậy vườn nhà ông chẳng bao giờ bỏ không. Hiện gia đình ông có khoảng 500 gốc chuối, hơn 50 gốc đu đủ và cả ngàn cây ớt. Ông còn chịu khó tìm hiểu sách báo, truyền hình để học hỏi mô hình chăn nuôi gia súc nhốt chuồng để dễ chăm sóc. "Bây giờ, trong nhà lúc nào cũng có con heo, con gà thì mới sẵn sàng tiền lo các con ăn học được. Dù mệt nhưng các con học được là vui rồi”, ông Út chia sẻ. Ông Út còn tự làm ống dẫn nước từ đỉnh núi Ca Sút về dùng và tạo ra điện sinh hoạt cho gia đình. Cũng theo ông Út, với cái nghèo, chỉ cần siêng năng, chịu khó làm là có thể vượt qua; còn "đói con chữ" thì không lấy gì bù đắp được.
"Ngày trước, vì nghèo khó tôi không học được những con chữ của Đảng, của Bác Hồ, nên giờ vợ chồng vừa nỗ lực lao động, vừa động viên các con bám lớp, bám trường. Cái chữ bây giờ quý hơn đất, hơn rừng đấy", ông Hồ Văn Út bộc bạch. |
Quả ngọt
Sự cố gắng của vợ chồng ông Út, giờ đã được đền đáp bằng những thành tích học tập mà các con mang lại. Đến nay, ngoài người con trai cả phải nghỉ học nửa chừng ở lớp 9, còn lại đều được đến trường. Ông Út tự hào mang cho chúng tôi xem những tập giấy khen học sinh khá, giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ, những lần nhận học bổng của các cháu Hồ Văn Tim, Hồ Văn Tỷ…. Ông bảo: “Tài sản quý nhất của gia đình là giấy khen của các con nên mình luôn giữ để các cháu đi sau noi theo”. Em Đinh Văn Tim, con trai thứ trong gia đình, hiện đang học năm cuối Cao đẳng Toán- Tin, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, chia sẻ: “Cha luôn khuyên, phải học cho được con chữ của Đảng, của Bác Hồ thì mới có thể thoát nghèo được. Ông còn chỉ bảo những lời hay lẽ phải, anh em biết đùm bọc nhau, phấn đấu học tập và rèn luyện nên người”.
Nói về gia đình ông Út, ông Hồ Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Lãnh không giấu được niềm hãnh diện: “Mỗi năm, xã chỉ được chọn 3 - 4 học sinh vào học bán trú ở huyện, nhưng con cái của anh Út luôn nằm trong số đó. Các cháu không chỉ sáng dạ mà còn biết vượt khó, ham học. Đó là nhờ một phần không nhỏ ở sự động viên, định hướng của bố mẹ”.
Tấm gương hiếu học của những người con trong gia đình ông Út vẫn luôn được các thầy cô xã Trà Lãnh nhắc đến để động viên, khuyến khích các thế hệ học trò noi theo. Truyền thống hiếu học của gia đình ông bà là nhân tố đáng quý, cần được tuyên dương để thay đổi suy nghĩ của người dân các xã miền núi về việc học tập của con em, góp phần bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho địa phương.
Bài, ảnh: Hà Xuyên