Nhiều cơ hội cho thanh niên xuất khẩu lao động

10:09, 29/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những hướng giúp thanh niên thoát nghèo bền vững, Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên tham gia.

TIN LIÊN QUAN

Hiểu đúng về XKLĐ

Để ĐVTN hiểu rõ hơn về hiệu quả của hoạt động XKLĐ, thời gian qua, Trung tâm dạy nghề thanh niên (Tỉnh đoàn) thường xuyên về các địa phương mở các lớp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm và XKLĐ. Từ các huyện miền núi như Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà… đến các huyện, thành phố như Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi, Lý Sơn, ở đâu cũng thu hút hàng trăm ĐVTN và bộ đội sắp xuất ngũ tham gia. Tại các buổi truyền thông, ĐVTN được thông tin về nghề nghiệp việc làm trong và ngoài nước, nhất là hoạt động XKLĐ đi các thị trường Malaysia, Nhật Bản...

  ĐVTN cần được tham gia các buổi truyền thông nâng cao nhận thức về nghề nghiệp việc làm và XKLĐ.
ĐVTN cần được tham gia các buổi truyền thông nâng cao nhận thức về nghề nghiệp việc làm và XKLĐ.


Bên cạnh đó, công tác truyền thông còn được đẩy mạnh bằng các hoạt động như: Xây dựng các chuyên mục trên Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh, phát hành tờ rơi tuyên truyền... Đặc biệt, các đoàn công tác của Tỉnh đoàn còn về tận địa phương tư vấn cho ĐVTN về chương trình XKLĐ, giải đáp các chế độ, chính sách ưu tiên đối với những người tham gia. Ngoài các ĐVTN trong độ tuổi lao động, Tỉnh đoàn cũng đặc biệt chú trọng đến việc tư vấn, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho lực lượng thanh niên là bộ đội xuất ngũ. Hằng năm, các cấp bộ đoàn thường tổ chức đón bộ đội xuất ngũ về địa phương, sau đó tổ chức ngày hội việc làm để giúp họ tìm kiếm việc làm sau thời gian ở trong quân ngũ.

Nhằm tạo điều kiện cho các thanh niên đăng ký tham gia XKLĐ, những cá nhân trúng tuyển sẽ được tỉnh giới thiệu tham gia các lớp học ngoại ngữ và giáo dục định hướng ở Trung tâm dạy nghề thanh niên do Tỉnh đoàn tổ chức. Không những vậy, ĐVTN còn được rèn luyện kỹ năng sống, thái độ và tinh thần lao động  trong môi trường mới đòi hỏi thanh niên phải có tính kỷ luật, tích cực lao động và rèn luyện để phù hợp với cuộc sống tự lập, xa nhà và nếp sống công nghiệp.

Kỳ vọng từ thị trường Nhật Bản và Malaysia

Theo thông tin từ Trung tâm dạy nghề thanh niên, chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2015, thị trường lao động Malaysia có nhu cầu tuyển dụng trên 550 thanh niên, với mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/tháng. Các ngành nghề được tuyển dụng như: Sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất găng tay cao su… Việc XKLĐ Việt Nam sang Malaysia là theo thỏa thuận Hợp tác lao động giữa 2 Chính phủ. Với chi phí đi làm việc tại Malaysia thấp, chỉ khoảng 1.000 USD - 1.200 USD (tương đương 22 - 25 triệu đồng), cùng với yêu cầu về trình độ tay nghề và ngoại ngữ của thị trường này không cao, Malaysia được xem là thị trường lao động phù hợp với phần đông lao động nông thôn Việt Nam, đặc biệt là lao động miền núi, lao động là người dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, việc đi lao động tại thị trường Malaysia đã giúp nhiều lao động tích góp được một nguồn vốn khá, tay nghề được nâng lên, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới khi hết thời gian lao      động ở nước ngoài.

Trung tâm dạy nghề thanh niên Quảng Ngãi cũng đang tuyển 300 thực tập sinh để đi làm việc tại Nhật Bản. Lương cơ bản trong thời gian làm việc được chia thành nhiều giai đoạn; trong đó, làm việc từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 36 là khoảng 24 - 30 triệu đồng/tháng, cộng tiền thưởng và được hưởng chế độ một số khoản phí theo quy định của Nhật Bản.

Đặc biệt, thực tập sinh được công ty trang bị nhà ở và các thiết bị phục vụ cho cuộc sống. Ngoài ra, thực tập sinh còn được hỗ trợ lấy lại tiền thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế - xã hội từ 5.500 - 9.500 USD (khoảng 110 - 200 triệu đồng), cũng như được đài thọ vé may bay về nước và giới thiệu việc làm khi thực tập sinh về nước đúng hạn.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.