(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu năm 2015 huyện Ba Tơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, mở sàn giao dịch để tuyển lao động xuất khẩu. Thế nhưng số lượng đăng ký vẫn quá ít so với chỉ tiêu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo ông Nguyễn Văn Triệu – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Tơ thì, số lao động đến sàn giao dịch tìm hiểu thông tin tuy nhiều nhưng số đăng ký để xuất khẩu lao động (XKLĐ) khá ít. Trong tổng số trên 270 lao động đến sàn thì chỉ có khoảng 55 lao động đăng ký tìm việc làm.
Những năm gần đây, số lượng lao động ở Ba Tơ đăng ký giảm dần cũng từ một số người đi trước trở về không hiệu quả. Tính từ năm 2011 đến nay có khoảng 42 lao động trở về nước trước thời hạn. Theo ông Triệu những lao động này tác động rất lớn đến tâm lý của những lao động nghèo ở địa phương, làm cho họ dao động, không muốn vay tiền đi xuất khẩu lao động. Mấy năm qua, huyện đã nỗ lực tuyên truyền nhưng vẫn không hiệu quả. Bước vào mùa tuyển dụng lao động xuất khẩu năm nay, huyện cũng đang lo ngại không đạt chỉ tiêu, dù đã đẩy mạnh tuyên truyền ngay từ đầu năm.
Loay hoay tìm thị trường xuất khẩu
Ba Tơ hiện đang bước vào vụ thu hoạch keo, mía. Ở những đồi cây nguyên liệu khá đông lao động ở độ tuổi thanh niên. Thế nhưng khi đặt câu hỏi về chuyện XKLĐ với một số thanh niên đang làm mía bên đồi thuộc xã Ba Tô thì chúng tôi nhận chung câu trả lời: “Một ngày lao động ở quê nhà kiếm được 120.000 – 140.000 đồng. Đi nước ngoài vừa xa nhà mà có kiếm được nhiều tiền đâu”.
Khi thị trường xuất khẩu lao động không còn hấp dẫn như trước, nhiều lao động vẫn bám trụ ở quê để làm công thu hoạch mía kiếm tiền. Ảnh: QNĐT |
Hơn 4 năm trở lại đây kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện Ba Tơ phát triển, chủ yếu là các cây nguyên liệu keo, mía, mì. Cứ mùa nào thu hoạch cây nấy. Quanh năm lao động địa phương không thiếu việc làm. Đây cũng là nguyên nhân mà lao động địa phương không muốn đi làm ăn xa. Một nguyên nhân khác, đồng bào miền núi trong độ tuổi lao động có chồng, vợ khá sớm. Khi đã lập gia đình, hầu hết tâm lý người lao động không muốn xa gia đình, vợ con. Điều quan trọng hơn là thu nhập từ việc XKLĐ không cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân hằng ngày ở địa phương. Trong khi đó muốn làm thủ tục sang các nước lao động phải mất thời gian, tốn kém tiền bạc, lại xa gia đình.
Vì vậy mà chỉ tiêu tỉnh giao XKLĐ cho huyện trong những năm qua luôn giảm dần. Năm 2009 - 2010 số lượng lao động xuất khẩu đạt khoảng 80% chỉ tiêu, nhưng từ năm 2011 đến nay số lượng cứ tụt dần qua hàng năm. Đến năm 2014, chỉ tiêu giao 100 nhưng chỉ đạt 40%.
Lý giải đều này, ông Triệu cho biết: Ngoài những nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân là thị trường xuất khẩu lao động không còn hấp dẫn như xưa. Bởi, trước đây dân còn nghèo, thị trường lao động Malaysia, với mức thu nhập bình quân hằng tháng từ 4-5 triệu là niềm mơ ước của nhiều hộ gia đình. Nhưng giờ, kinh tế địa phương phát triển, thị trường xuất khẩu vẫn là Malaysia nhưng mức lương cũng chỉ nhích lên 6 -7 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không cao, khi người lao động phải xa gia đình để làm ăn.
Hiện nay, huyện đã hướng đến thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... để XKLĐ, nhưng trình độ văn hóa của lao động địa phương không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Trong khi ngành chức năng chưa có giải pháp thích hợp để XKLĐ theo Quyết định 71 của Chính phủ để giúp hộ nghèo giảm nghèo bền vững, thì chỉ tiêu XKLĐ ở Ba Tơ sẽ không đạt.
MAI HẠ