Trà Bồng: Thúc đẩy xuất khẩu lao động

08:10, 23/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh lợi ích mang lại từ việc đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua huyện Trà Bồng có 16 lao động phải về nước trước thời hạn, do nhiều nguyên nhân. Huyện đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này...

TIN LIÊN QUAN

Anh Hồ Văn Út ở thôn 3, xã Trà Thủy (Trà Bồng) tham gia XKLĐ năm 2010, tại Malaysia. Trước khi đi, anh đã vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 21 triệu đồng.Tuy nhiên, khi qua Malaysia hơn một năm, chẳng may anh Út bị tai nạn giao thông, không đủ sức khỏe để tiếp tục lao động nữa và công ty buộc anh phải về nước. Món nợ ngân hàng 21 triệu trở nên rất khó khăn đối với anh. Anh Út tâm sự: Về nước tôi gửi trả ngân hàng được 5 triệu, nợ lại 16 triệu, gia đình khó khăn, tôi dành dụm đi làm công ở quê kiếm tiền trả nợ, nay cũng vừa thanh toán xong.

 

Người lao động ở Trà Bồng học định hướng chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.
Người lao động ở Trà Bồng học định hướng chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.


Theo thống kê, từ năm 2008 -2013, huyện Trà Bồng đã đưa 151 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, trong đó chủ yếu là thị trường Malaysia 124 người, Hàn Quốc 16 người, còn lại là thị trường các nước khác, với số lượng không đáng kể. Thực tế, người đi XKLĐ đã giúp được gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, sửa chữa nhà cửa và mua sắm những tiện nghi sinh hoạt, có cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời đi XKLĐ cũng giúp người lao động được nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong số 151 lao động của huyện đưa đi XKLĐ từ năm 2008-2013, đã có 16 lao động phải về nước trước thời hạn.  

Hầu hết thanh niên ở Trà Bồng tham gia XKLĐ đều ở dạng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, chỉ phù hợp với thị trường Malaysia, thu nhập thấp,  chỉ 5 – 6 triệu đồng/ người/tháng. Với mức lương như vậy, chỉ vừa đủ sinh hoạt ở nước sở tại, rất khó có dư để gởi về gia đình. Đã có trường hợp đi XKLĐ không có tiền về, gia đình phải gửi tiền qua để về nước. Nguyên nhân một phần do ý thức, tác phong làm việc của người lao động chưa cao, không tuân thủ quy trình làm việc công nghiệp. Một số khác do bị tai nạn nghề nghiệp, tự ý bỏ việc, vi phạm kỷ luật, công ty sử dụng lao động cho về nước... Điều này đã dẫn đến một hệ lụy là người nghèo khi đi XKLĐ về không có tiền trả nợ cho ngân hàng, lại càng nghèo thêm.  

Trước tình trạng trên mới đây, huyện Trà Bồng đã tổ chức gặp mặt những lao động đã về nước để trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người trực tiếp đi XKLĐ và gia đình họ, để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho công tác XKLĐ. Đồng thời, huyện sẽ làm việc với Ngân hàng CSXH để giãn nợ cho những trường hợp vay nợ đi XKLĐ trước đây; hoặc tiếp tục cho họ vay lần thứ hai, để đi XKLĐ ở những thị trường khác có thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Để tiếp tục đưa người đi XKLĐ ở nước ngoài, sắp đến huyện chọn lựa thị trường lao động có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. “Hiện tại huyện Trà Bồng đã có trung tâm dạy nghề, nên sẽ tập trung đào tạo cho các em có tay nghề, để các em không những tham gia thị trường trong nước mà có thể tham gia thị trường nước ngoài, có thu nhập cao. Khi đã có tay nghề thì chúng ta có cơ hội tiếp cận được thị trường có thu nhập ổn định”, ông Bắc nói.


Bài, ảnh: Cao Dũng
 


.