(Báo Quảng Ngãi)- Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công-nông-ngư cùng tiến
Mô hình dạy nghề may công nghiệp là mô hình khá thành công từ Đề án 1956. Từ 2 lớp dạy may công nghiệp đầu tiên với 70 LĐNT theo học đến nay đã nhân rộng lên 110 lớp với gần 4.000 học viên. Chị Nguyễn Thị Linh ở huyện Tư Nghĩa (công nhân Công ty may VINATEX Quảng Ngãi) phấn khởi cho biết: “Tốt nghiệp cấp II xong mình không có điều kiện học tiếp, một thời gian dài không có việc gì làm. May mắn được học lớp đào tạo nghề may công nghiệp theo Đề án 1956, giờ đã có việc làm, thu nhập ổn định”. Hầu hết LĐNT sau khi học nghề may công nghiệp theo Đề án 1956 đều có việc làm tại các doanh nghiệp may trong và ngoài tỉnh. Một số người còn thành lập tổ hợp may hoặc nhận may gia công cho các doanh nghiệp tại nhà.
Nghề may công nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn hiện nay. Ảnh: THANH LONG |
Ngoài ra, các nghề khác như hàn, điện, cơ khí và các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp cũng có số lượng lớn người dân theo học và đạt hiệu quả cao sau đào tạo. Hướng đi mới của tỉnh trong việc đào tạo nghề cho LĐNT là đào tạo chính cái nghề mà người dân đang làm. Cụ thể là nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 được triển khai ở các xã ven biển và hải đảo thu hút được một lượng lớn ngư dân tham gia học.
Không như lúc trước, giờ đây mỗi chuyến ra khơi đối với tàu của ngư dân Nguyễn Sinh Bảnh ở xã Bình Châu (Bình Sơn) luôn kéo dài trên 1 tháng. Ngư dân Bảnh hồ hởi nói: “Trước đây hầm chứa cá của mình chỉ làm theo hiểu biết của bản thân thôi nên khi được khoảng 5-7 tấn là phải vô bờ vì sợ cá ươn. Bây giờ thì mình đi dài ngày hơn, một lần có thể ướp được 10-15 tấn cá mà không bị hư hỏng gì. Vì vậy thu nhập cũng cao hơn hẳn trước đây”. Có được kết quả đó là nhờ áp dụng những kiến thức đã được học từ lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng. Thời gian bám biển lâu không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tăng sản lượng khai thác.
Đến nay đã có trên 3.000 ngư dân ở nhiều địa phương ven biển trong tỉnh được tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4. Qua học nghề, ngư dân được trang bị kiến thức về quản lý, kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy móc, trang thiết bị trên tàu cá, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và cách cứu nạn trên biển để ứng dụng vào thực tiễn. Thấy được hiệu quả từ mỗi phiên biển và được bố trí thời gian hợp lý theo từng mùa vụ nên nhiều ngư dân chủ động đăng ký theo học.
Các nghề truyền thống như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn… cũng được triển khai đào tạo cho nông dân trong tỉnh. Sau những lớp đào tạo, người nông dân không chỉ chăm sóc cây trồng, vật nuôi tốt hơn mà còn phát triển, mở rộng ngành nghề.
Hướng đi phù hợp
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh ta đã có những bước đi phù hợp với nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu của xã hội. Đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh ta không còn cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống mà thực hiện theo “đơn đặt hàng” của người dân. Người dân được chủ động chọn ngành nghề và thời gian học. Vì vậy, họ vừa học được nhiều kiến thức vừa có thời gian áp dụng vào thực tiễn sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình. Trong 5 năm qua, LĐNT trên địa bàn tỉnh được học nghề theo Đề án 1956 là gần 32.000 người, trong đó có 20.000 người học nghề phi nông nghiệp và gần 12.000 người học nghề nông nghiệp. Số lao động có việc làm sau khi học là gần 28.000 người, chiếm 88% trên tổng số lao động học nghề.
Bà Cù Thị Thanh Mai-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục tập trung mở rộng các mô hình đã thành công trong thời gian qua, nhất là các ngành nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông thôn; các ngành nghề tham gia xuất khẩu lao động hay các nghề phục vụ cho việc phát triển vùng chuyên canh rau, lúa để người dân có thể tăng thu nhập và học nghề phi nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.
Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã mang đến niềm vui cho người nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh.Hiệu quả thiết thực của việc đào tạo nghề cho LĐNT chính là nhận thức của người dân được thay đổi. LĐNT vững tay nghề để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đào tạo nghề cho LĐNT cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh ta từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Xuân Hiếu