(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, ngành giáo dục TP.Quảng Ngãi có nhiều đổi mới trong công tác dạy và học. Nhiều trường đã chủ động vận dụng sáng tạo những chủ trương của ngành và đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Trong đó, Trường THCS Chánh Lộ với mô hình dạy học hơn 6 buổi/tuần.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước năm 2007, Trường THCS Chánh Lộ (TPQN) có nhiều hạn chế, cơ sở vật chất xuống cấp, tỉ lệ học sinh yếu kém cao (năm học 2006-2007 là 7,3%), tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm trung bình và yếu trong năm học này là 4,2%. Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT cho trường xây các phòng học chức năng, UBND TP. Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí xây dựng khu hoạt động thể chất và với sự nỗ lực của tập thể nhà trường nên cuối năm 2008 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.
Tuy vậy, bài toán chất lượng giáo dục vẫn luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy địa phương và lãnh đạo nhà trường. Bởi lẽ, giai đoạn này số học sinh học ngoài phường khá nhiều, chủ yếu là Trường THCS Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, trong đó có nhiều học sinh khá, giỏi. Thực hiện nội dung chỉ đạo của Đảng trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về việc phấn đấu đến năm 2010 các trường trung học dạy 2 buổi/ngày và sự chỉ đạo của ngành giáo dục, trường đã xây dựng kế hoạch dạy học hơn 6 buổi/tuần. Kế hoạch được sự thống nhất về chủ trương của lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Chánh Lộ, phụ huynh học sinh (trong đó có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về khoản đóng góp tự nguyện tiền để trả cho người dạy) và hằng năm trường đều có báo cáo với Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi
Theo đó, thời lượng dạy tăng thêm 2 buổi/tuần, mỗi buổi 4 tiết, buổi sáng không học tiết thứ 5, buổi chiều không học tiết thứ 1, chủ nhật, ban đêm không học, mỗi năm học 7 tháng. Môn được chọn dạy là Văn (3 tiết), Toán (3 tiết), Anh văn (2 tiết), một số nội dung ngoại khóa về âm nhạc, thể thao, mỹ thuật, tin học, các môn học khác... BGH nhà trường phân công giáo viên biên soạn và tổ chức duyệt chương trình để thực hiện từ năm học 2011-2012 đến nay và hằng năm có rút kinh nghiệm, bổ sung, chỉnh sửa. Với phương châm mỗi tiết lên lớp là tiết “học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên”.
Trong kế hoạch này, hiệu trưởng chỉ đạo cách thực hiện một tiết lên lớp, phụ lục hướng dẫn học sinh phương pháp tự học được tập thể giáo viên thảo luận, thống nhất thực hiện. Phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh học yếu kém. Về khoản đóng góp tự nguyện của PHHS để trả tiền tiết dạy trong năm học 2014-2015 là 100.000đ/HS/tháng, có miễn cho học sinh con hộ nghèo, giảm 50% cho hộ cận nghèo, các diện tương tự…
Điều đáng ghi nhận là, với mô hình dạy học hơn 6 buổi/tuần trong 3 năm học qua đã góp phần chấn chỉnh tình trạng dạy học thêm tràn lan ngoài nhà trường. Đồng thời, thực hiện kế hoạch dạy học hơn 6 buổi/tuần đã nâng khả năng chuyên môn của giáo viên và chủ động được khâu bồi dưỡng học sinh giỏi. Tận dụng được cơ sở vật chất nhà trường, năng lực đội ngũ giáo viên, đồng thời tăng thời gian quản lý hiệu quả học sinh trong môi trường học đường, phát huy năng lực tự chủ, tự học của học sinh.
Sự kết hợp tốt giữa dạy học giờ chính khóa và hướng dẫn học sinh tự học theo chương trình hơn 6 buổi/tuần đã đưa chất lượng giáo dục được nâng lên. Năm học 2013-2014, học sinh có hạnh kiểm tốt 74,5%, trung bình 0,5%, kém 0%; về học lực, giỏi 21,4% (tăng hơn năm học trước 6%), khá 37,3%, yếu 6,1%, kém 0%. Số học sinh giỏi cấp thành phố là 30 em, tăng hơn năm học trước 2,5 lần; tỷ lệ học sinh bỏ học 0,7%.
Qua đó cho thấy, việc Trường THCS Chánh Lộ vận dụng thực hiện thành công bước đầu mô hình dạy học hơn 6 buổi/tuần (gọi chung dạy học 2 buổi/ngày) đã gợi mở cho ngành giáo dục thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung một hướng đổi mới tích cực.
Qua đó cho thấy, việc Trường THCS Chánh Lộ vận dụng thực hiện thành công bước đầu mô hình dạy học hơn 6 buổi/tuần (gọi chung dạy học 2 buổi/ngày) đã gợi mở cho ngành giáo dục thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung một hướng đổi mới tích cực.
PV