(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1994 khi tái lập huyện Sơn Tây, ngành giáo dục có 36 giáo viên “hoạt động” trên địa bàn có tới 15.000 dân cư sống thưa thớt lại hầu hết là “điểm trắng” giáo dục. Vậy mà, bằng quyết tâm thực hiện giải pháp đột phá “đào tạo giáo viên có địa chỉ”, giờ đây đội ngũ giáo viên của huyện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện sứ mệnh “gieo chữ trên đại ngàn” Sơn Tây.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ “Đoàn quân Tây tiến”
Ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng GD&ĐT Sơn Tây vẫn nhớ như in những khó khăn của ngày đầu lên vùng cao Sơn Tây. Ông Thạnh kể: “Chia huyện, Sơn Tây được phân bổ 27 người, sau đó Sơn Hà tăng cường thêm 9 người nữa chủ yếu là làm công tác quản lý giáo dục”. Trước tình thế thiếu giáo viên trầm trọng, huyện Sơn Tây đã quyết định xin tỉnh đào tạo cấp tốc 57 giáo viên để có lực lượng giáo viên đứng lớp. Thế là Sơn Tây từ năm 1994 – 1995 đã có đội ngũ giáo viên 93 người. Địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi không được ra lớp chiếm đến 82%, thì số giáo viên ấy quả thực cũng chỉ như “muối bỏ biển” chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu mở lớp.
Cô và trò Trường Mầm non Hương Cau – trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Sơn Tây. |
Ngày “chuyển quân” về Sơn Tây, ông Lê Hoài Thạnh bảo đường mòn, vách núi dựng đứng, mọi người cuốc bộ, chống gậy tựa nhau mà đi như một “Đoàn quân Tây tiến” vậy. Thế mà mùa khai trường tháng 8.1995, Sơn Tây lại xin mở thêm lớp đào tạo giáo viên thứ 2 với 48 người. Sau 3 năm tái lập huyện, đội ngũ giáo viên ở Sơn Tây từ 36 người đã tăng lên 141 người là một bước tiến mạnh mẽ, tạo tiền đề để Sơn Tây thực hiện thành công nhiệm vụ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học.
Ngoài ra, vào các năm 2005, 2010, Sơn Tây tiếp tục liên kết mở thêm 2 lớp “đào tạo giáo viên có địa chỉ” cho 78 học viên. Tính ra, từ ngày tái lập huyện đến nay, Sơn Tây đã liên kết đào tạo 4 đợt cho 183 giáo viên tiểu học, chiếm tới hơn 80% số giáo viên tiểu học hiện có (183/225 người).
Đến tuổi 20 hôm nay…
Bằng phương thức đào tạo có địa chỉ, đào tạo để phục vụ, đội ngũ giáo viên Sơn Tây hôm nay đã có hơn 650 người, trong đó đội ngũ quản lý và giáo viên khoảng 600 người. Chính nhờ sự mạnh dạn thực hiện phương thức “đào tạo giáo viên có địa chỉ” đã giúp Sơn Tây từ một huyện có 82% trẻ em trong độ tuổi đến trường thất học, 92% dân số mù chữ, 85% khu dân cư là “điểm trắng” giáo dục chỉ sau 4 năm tái lập, tức là năm 1997 Sơn Tây đã được công nhận xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.
Tiếp bước chặng đường đầu đầy gian khổ, giáo dục Sơn Tây tiếp tục “tiến lên” đạt nhiều thành tích mới. Đáng kể nhất là vào năm 2008, Sơn Tây đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Kết quả ấy được giữ vững trong suốt những năm qua. Huyện đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn về phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.
Việc liên kết đào tạo giáo viên có địa chỉ phục vụ cho sự nghiệp trồng người ở Sơn Tây thực ra chỉ là giải pháp tình thế. Tuy nhiên “giải pháp tình thế” này lại tạo ra hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển giáo dục ở Sơn Tây. “Liên kết đào tạo có địa chỉ đã đảm bảo nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục; đảm bảo được mục tiêu gắn bó địa bàn công tác; đồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện để họ phấn đấu, trưởng thành, gắn bó với giáo dục miền núi Sơn Tây” – ông Lê Hoài Thạnh khẳng định.
Bài, ảnh: THANH HUYỀN