(Báo Quảng Ngãi)- Huyện miền núi Tây Trà, địa hình rộng, xa xôi cách trở nên việc đi lại, theo học tại các điểm trường của học sinh luôn là nỗi trăn trở. Để đến được trường, nhiều em học sinh phải đi bộ vài tiếng đồng hồ. Vì vậy, vấn đề học sinh bỏ học, nghỉ học giã gạo thường xuyên diễn ra. Năm học này, một niềm vui lớn đã đến với thầy và trò nơi đây khi có 5 trường TH&THCS được chuyển thành Trường Tiểu học và THCS Dân tộc bán trú, học sinh được ăn ở bán trú tại trường không phải đi về hàng ngày.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tan học, không phải cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ để về nhà, các em học sinh Trường THCS Trà Lãnh chỉ đi vài bước chân là về đến các phòng ở nội trú ngay trong khuôn viên trường. Cùng nhau nấu ăn, sinh hoạt. Tuy chỉ mới được làm tạm nhưng dãy phòng trọ cũng có đầy đủ giường tầng, bếp ăn. Vì mới vào năm học, nhà trường chưa hợp đồng người nấu ăn nên các em phải tự nấu. Còn bắt đầu từ cuối tháng 9, sẽ có người nấu ăn cho các em, học sinh chỉ việc ăn và học. Nguồn kinh phí được trường trích từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 85 và Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ.
Phụ huynh làm nhà bán trú cho học sinh Trà Lãnh. |
Theo Quyết định 85, học sinh tiểu học và trung học bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú đang học trong các trường tiểu học và THCS công lập khác ở vùng này được hưởng 40% mức lương tối thiểu/tháng. Còn Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 15kg gạo/tháng.
Em Hồ Văn Thống, lớp 6B Trường THCS Trà Lãnh vui vẻ cho biết: Nếu không ở bán trú em phải đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ, được ở đây em đi học tốt hơn.
Tại đây có 120 em học sinh khối THCS của trường ăn ở, học tập. Các em ở đây có nhà ở các thôn Trà Lương, Trà Ích, Trà Dinh cách trường trên dưới gần chục cây số, gần cũng khoảng 5 cây số, nếu đi về các em mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ. Ăn ở tại trường các em vừa có thời gian vừa có sức khỏe để học tập tốt hơn.
Thầy Nguyễn Duy Duật - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Trà Lãnh chia sẻ: Việc ăn ở tại chỗ giúp cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, các em không phải đi lại xa xôi. Những năm trước tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giã gạo ở trường cũng thường xảy ra. Năm nay được ăn ở bán trú, tình trạng này chắc chắn sẽ giảm thiểu”.
Năm trường được chuyển lên thành trường THCS dân tộc bán trú ở Tây Trà là TH&THCS Trà Lãnh, Trà Xinh, Trà Thọ, Trà Thanh và Trà Quân. Hiện nay, ngoài Trường THCS Trà Thọ có khu nội trú kiên cố, Trường THCS Trà Lãnh có khu tạm trú, còn các trường vẫn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để xây dựng khu bán trú cho học sinh.
Ông Phạm Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tây Trà, cho biết: Việc chuyển lên thành trường bán trú rất thuận lợi đối với giáo dục Tây Trà. Thứ nhất là thuận lợi cho học sinh; thứ 2 là đội ngũ giáo viên cũng được tăng lên; thứ 3 là giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Có thể nói, việc trở thành Trường THCS Dân tộc bán trú là một niềm vui lớn cho thầy và trò ở Tây Trà. Bớt đi những khó khăn vất vả cho học sinh miền núi. Đây sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng dạy học ở Tây Trà. Tuy nhiên, hiện nay các trường còn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh. Để có được những phòng ở bán trú kiên cố, các trường rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của toàn xã hội.