Học sinh nội trú chật vật bám trường

07:09, 30/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Được bố trí ở nội trú tại trường là điều rất thuận lợi cho nhiều em học sinh Trường THCS xã Ba Khâm (Ba Tơ). Nhưng khi chứng kiến những bữa cơm đạm bạc chỉ với muối trắng, rau rừng và xách từng canh nước sinh hoạt thì ai cũng thấy rưng rưng thương cảm cho các học sinh nghèo miền núi, sống xa nhà.

TIN LIÊN QUAN

Chiều tháng 9, mây mù dày đặc trên độ cao 640m so với mực nước biển. Tiếng trống tan trường dội từng hồi vào vách núi. Đó là lúc các em học sinh ở nội trú tại Trường THCS Ba Khâm lục tục rủ nhau về phòng cất sách vở rồi vội vàng đi hái rau rừng, xách nước về nấu cơm. Công việc thường ngày quen thuộc của các em sau những buổi học là vậy.

2.000 đồng/1 bữa ăn

Em Phạm Thị Quý- học sinh lớp 6, Trường THCS Ba Khâm, người nhỏ thó, đôi tay gầy guộc, đen đúa hồ hởi xách 2 can nước về phòng nội trú. Nhà Quý ở thôn Hố Sâu, cách trường gần 3 tiếng đi bộ, nên em phải ở lại cùng các bạn đến chiều thứ 6 mới được về nhà. Quý cho biết: Em được ở chung phòng với 14 bạn nữ khác. Dù được thầy cô giúp đỡ nhiều nhưng việc ăn uống, sinh hoạt thì phải tự lo. Chiều nào, chúng em cũng đi bộ khoảng 15 phút để đến được con suối lấy nước về dùng.

 

Nước sinh hoạt của học sinh được đựng trong những chiếc canh, xách về phòng cách đó khoảng 15 phút đi bộ
Nước sinh hoạt của học sinh được đựng trong những chiếc canh, xách về phòng cách đó khoảng 15 phút đi bộ


Thầy Phan Văn Chí- Hiệu trưởng Trường THCS Ba Khâm bày tỏ: Ở đây là vùng thiếu nước trầm trọng. Mùa này, còn có nước dùng dù phải đi xa. Đến mùa khô hạn, nước như là thứ gì đó rất quý hiếm, khó tìm. Người lớn thấy khổ vì nước. Các em ở nội trú lại càng khổ hơn.

Thời gian đi lấy nước lâu nên các em tiết kiệm bằng cách tranh thủ tắm giặt tại đó rồi mới xách nước về để ăn, uống tại phòng. Sau đó lại rủ nhau đi vào rừng cách trường khoảng 20 phút để hái các loại rau mọc dại như: Rau ranh, rau má, rau ngót về luộc, nấu canh, ăn qua bữa. Hái hết rau ở gần, các em lại phải đi xa hơn để kiếm. Với các em, để nấu một bữa cơm dù chỉ là ăn với muối và rau cũng là một điều kỳ công.

Gia đình 24 em ở nội trú tại Trường THCS Ba Khâm đều rất nghèo. Cuộc sống nội trú cũng không mấy đủ đầy. Cha mẹ thường cho các em 20 nghìn đồng/5 ngày ăn trong tuần. Nếu tính chi li thì chi phí ăn uống mỗi bữa của 1 em ở nội trú chỉ khoảng 2.000 đồng. Với số tiền này, bữa cơm có thịt cá như học sinh đồng bằng là điều hiếm thấy.

 

Được nấu cơm trong những nồi cơm điện do cha mẹ tằn tiện mua cho, nhưng thức ăn của các em chỉ là muối trắng và rau rừng
Được nấu cơm trong những nồi cơm điện do cha mẹ tằn tiện mua cho, nhưng thức ăn của các em chỉ là muối trắng và rau rừng.


Các em chia thành từng nhóm 4, 5 bạn để góp gạo và tiền ăn chung với nhau. Trong tuần chỉ có khoảng 2 bữa cơm đầu tuần là kèm một ít thịt mỡ các em mua được từ các chợ di động bán với giá cắt cổ. 4, 5 ngày còn lại, muối trắng, rau rừng vẫn là thức ăn “chủ đạo” vì chẳng còn tiền nữa.

Mong chờ hỗ trợ

Những năm trước, các học sinh nội trú Trường THCS Ba Khâm phải sống tạm bợ trong những căn nhà tranh tre nứa lá. Nhưng giờ đây, nhờ có sự đầu tư của nhà trường và các nhà hảo tâm, chỗ ở của các em đã được cải thiện. Được ở trong phòng kín, được ngủ trên những chiếc giường sắt mới toanh, được nấu cơm trong những nồi cơm điện mà cha mẹ tằn tiện mua cho, nhưng nhìn vào những bữa ăn đạm bạc, chúng tôi hiểu rằng, các em vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi. Phải chật vật lắm, học sinh nghèo miền núi mới có thể đến trường bám theo con chữ .

Em Phạm Thị Quế tâm sự: Nhà em và các bạn ở đây đều nghèo cả. Em chỉ mong ba mẹ cho đi học, cho ở nội trú có giường, có bàn học tử tế là vui lắm rồi. Còn ăn uống thì chúng em đã quen với thức ăn là muối và rau. Chỉ cần no bụng là có thể học được thôi.

Cùng ở nội trú với 24 học sinh, còn có 6 giáo viên ở nội trú. Thấy cảnh các em ăn kham khổ, không ít lần những người thầy, người cô mua dư thức ăn để nấu cho các em ăn cùng. Nhưng về lâu dài, tiền lương của giáo viên cũng không thể giúp hết cả thảy.

Cô giáo Bùi Thị Huyền- vừa nhận công tác tại trường 4 tuần, chia sẻ: Lần đầu tiên lên đây, nhìn thấy cảnh ăn uống thiếu thốn của học sinh miền núi, tôi đã không kìm lòng được. Nhiều lúc muốn san sẻ khó khăn nhưng làm gì đủ điều kiện mà giúp hết được. Nhà các em đều nghèo, phụ huynh cho tiền ăn cũng rất hạn chế, tôi không dám chắc các em có đủ sức khỏe để theo học mãi được không.

 

Ăn uống không đủ chất ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và việc học tập của các em
Ăn uống không đủ chất ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và việc học tập của các em


Thầy Phan Văn Chí- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường đang dạy dỗ 115 em học sinh. Trong đó có 24 học sinh được bố trí 2 phòng ở nội trú cùng giáo viên. Điều kiện sinh hoạt còn nghèo nàn, thiếu nước trầm trọng là điều thật đáng lo ngại. Sức học của các em rất yếu, khả năng tiếp thu chậm.

“Hiện tại, gia đình các em học sinh rất mong được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 49 (cung cấp 70 nghìn đồng/tháng/ học sinh). Đến nay, hơn 100 học sinh của trường vẫn chưa nhận được số tiền này trong 3 học kỳ. Nếu nhận được tiền đều đặn, có lẽ điều kiện sinh hoạt của học sinh sẽ khác nhiều”- thầy Chí nói thêm.

Thật vậy, 70 nghìn đồng/ tháng chỉ là số tiền nhỏ so với nhiều người nhưng đối với các em học sinh miền núi nơi đây, số tiền ấy sẽ giúp bữa cơm của các em sẽ có thêm chút thịt, chút cá. Các em sẽ được bồi dưỡng thêm chất dinh dưỡng, để có đủ sức khỏe để học tập, vui chơi như bao trẻ em ở chốn thành thị.

Hiện Trường THCS Ba Khâm có 62 học sinh có nhu cầu ở nội trú. Tuy nhiên, nhà trường chỉ mới đáp ứng chỗ ở cho 24 em. Các em còn lại được bố trí ở nhà người quen gần trường. Đến năm 2015, trường sẽ trở thành trường dân tộc nội trú theo kế hoạch. Nhưng với điều kiện hiện tại, nhà trường vẫn chưa thể lo đủ chỗ ở và điều kiện sinh hoạt cho các em. Đó là nỗi trăn trở của nhiều giáo viên dạy tại ngôi trường vùng cao còn nhiều thiếu thốn này.

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.