(Báo Quảng Ngãi)- Từ chỗ đội ngũ giáo viên “cắm bản”, học sinh “lớp nhô”, hệ thống trường lớp tranh tre nứa lá, vậy mà, 20 năm sau ngày tái lập huyện, giáo dục - đào tạo Sơn Tây đã đổi mới căn bản, phát triển cả về quy mô, chất lượng, đóng góp to lớn vào thành tựu kinh tế - xã hội của huyện...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hành trình 20 năm gieo chữ trên đại ngàn Sơn Tây, với bao gian khổ, hy sinh đã tạo ra những quả ngọt đầu mùa. Lớp học trò của mùa khai giảng đầu tiên nay đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành thầy cô giáo, cán bộ “tại chỗ” cho Sơn Tây. Hôm nay, thách thức vẫn còn nhiều phía trước, song với sự đoàn kết, quyết tâm cao, ngành giáo dục đào tạo Sơn Tây chắc chắn sẽ vượt qua, “cán đích” những mục tiêu mới.
Những con số ấn tượng
Ngày đầu tái lập, toàn huyện Sơn Tây chỉ có 4 điểm trường tiểu học tạm bợ. Đến nay Sơn Tây đã có một trường THPT với 11 lớp, 7 trường THCS 46 lớp, 9 trường tiểu học 162 lớp, 10 trường mầm non 78 lớp. Toàn huyện hiện có một trường mầm non và một trường tiểu học đạt trường chuẩn quốc gia.
Những con số ấn tượng
Ngày đầu tái lập, toàn huyện Sơn Tây chỉ có 4 điểm trường tiểu học tạm bợ. Đến nay Sơn Tây đã có một trường THPT với 11 lớp, 7 trường THCS 46 lớp, 9 trường tiểu học 162 lớp, 10 trường mầm non 78 lớp. Toàn huyện hiện có một trường mầm non và một trường tiểu học đạt trường chuẩn quốc gia.
Cô trò trong giờ học ở Trường tiểu học vùng sâu Sơn Long (Sơn Tây). |
20 năm trước – năm 1994, Sơn Tây chỉ có 525 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 và có đến 2/3 khu dân cư “trắng” về giáo dục. Số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 có gần 93% trong tình trạng mù chữ. Thế mà nay, Sơn Tây đã có nhiều học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đạt 90 - 100%. Với sự nỗ lực không ngừng, năm 1997, huyện được công nhận là đơn vị đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, THCS.
Từ 27 giáo viên ngày đầu tái lập, Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây đã liên kết đào tạo theo các hình thức hơn 300 giáo viên; đồng thời thu hút giáo viên miền xuôi lên công tác. Hiện có hơn 650 giáo viên đang công tác trên mảnh đất ngàn cau này.
Nhớ lại những gian khổ ngày đầu tái lập huyện, thầy giáo Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây nhắc mãi về “đoàn quân Tây tiến”. Thầy Thạnh cho biết: Đó chính là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi, từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây với nghề “gõ đầu trẻ”. Họ sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, để góp sức cho 20 mùa quả ngọt của sự nghiệp trồng người nơi đây. Nhiều lớp học sinh ngày đầu nay đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần hiếu học như kỹ sư nông nghiệp người Ca Dong Đinh Văn Tre. Rồi thầy giáo Ca Dong đầu tiên dạy tiếng Anh cho học sinh cấp 3 Đinh Văn Châu. Và hàng trăm học trò của mùa thu khai giảng đầu tiên nay đã là thầy cô giáo, là cán bộ xã, huyện đang đóng góp trí tuệ, sức lực dựng xây quê hương Sơn Tây ngày càng đi lên, ổn định, phát triển, hội nhập.
Nhiều thách thức trên chặng đường mới
20 năm gieo chữ, thầy giáo Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây đúc kết: Giáo dục ở Sơn Tây 20 năm qua không chỉ là dạy chữ, mà là quá trình vận động người dân đến với giáo dục. Các thầy cô giáo trèo đèo, lội suối lên Sơn Tây còn là để mang ánh sáng văn hóa đến cho mọi người. Thầy cô ngoài dạy chữ còn đi sâu vào những ngõ ngách xóm làng để vận động học sinh ra lớp, tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao nhận thức về lợi ích của sự nghiệp trồng người.
Mùa khai giảng năm 2014 sắp tới, ngành giáo dục Sơn Tây tròn 20 năm thực hiện sự nghiệp trồng người. Những người mang trọng trách “khai sáng” Sơn Tây ngày nào giờ vẫn còn nhiều người bám trụ, nhưng cũng có thầy cô đã nghỉ hưu và cả những thầy cô đã mãi mãi ra đi. Quả ngọt của ngày hôm nay đã phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, khó nhọc, thậm chí là cả tính mạng của thầy cô giáo. Mùa lũ 1998, 1999 thầy giáo Thành và mẹ con cô giáo Thúy đã bị nước lũ cuốn trôi; nhiều thầy cô bị sốt rét rừng cướp đi tính mạng…
Hành trình gieo chữ ở Sơn Tây đang bước sang một thời kỳ mới với bao thách thức lớn đang ở phía trước. Những đòi hỏi tiếp tục đổi mới giáo dục miền núi bằng giải pháp học 2 buổi, học nội trú, phổ cập mầm non… Để nâng cao chất lượng giáo dục, yêu cầu đặt ra đối với Sơn Tây phải được quan tâm toàn diện hơn nữa. Chính sách “hồi hương” – thuyên chuyển công tác về đồng bằng của những giáo viên “cắm bản” lớn tuổi trên đất Sơn Tây vô cùng chính đáng, nhưng vẫn khó khăn, bế tắc. Và vì vậy niềm vui, hạnh phúc của giáo dục Sơn Tây khi bước sang chặng đường mới vẫn còn không ít trăn trở, băn khoăn…
Bài, ảnh: THANH NHỊ