(Baoquangngai.vn)- Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2012-2015 tỉnh Quảng Ngãi vào sáng 26.7.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương, phòng giáo dục các huyện thành phố trong tỉnh.
Sau 2 năm rưỡi thực hiện Đề án, hiện nay toàn tỉnh có 1.769 phòng học cho giáo dục mầm non, trong đó có 767 phòng học kiên cố, 811 phòng học bán kiên cố, hơn 190 phòng học tạm, thiếu 310 phòng học phải bố trí trẻ học nhờ các các trường tiểu học, nhà văn hóa thôn. Tổng số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 32/209 trường, tỷ lệ đạt 15,3%.
Từ năm 2010 đến 2013, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 318 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho GDMN, đã mua sắm trang thiết bị hơn 35,7 tỷ đồng. Năm 2014, tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Đề án và kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, Sở GD&ĐT tiếp tục mua sắm trang thiết bị cho các trường với tổng kinh phí 5,8 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, Quảng Ngãi vẫn chưa đạt được các mục tiêu chính của Đề án. Chỉ có 3/14 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn CSVC về phòng học, thiết bị; có 8/14 huyện, thành phố đội chưa đạt chuẩn về ngũ giáo viên. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn trên 25%.
Hiện nay toàn tỉnh còn thiếu 310 phòng học cho bậc học mầm non. |
Theo lộ trình đến năm 2014 này, có 7 huyện, thành phố đăng ký đạt chuẩn, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị nào đạt.
Những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do vẫn còn thiếu 310 phòng học. Nhiều trường chưa có bếp ăn, công trình vệ sinh và nước sạch còn thiếu.
Đời sống của nhân dân còn khó khăn, đặc biệt là ở các huyện miền núi nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao trong khi điều kiện CSCV còn thiếu thốn nên nhiều trường chưa mở bán trú hoặc đã mở nhưng các cháu được ăn bán trú rất ít.
Kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ có nơi còn chậm trễ, thiếu kịp thời. Kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn GDMN trong ngân sách thường xuyên tại đa số huyện chưa đạt.
Theo lộ trình, kết thúc năm 2015, Quảng Ngãi phấn đấu đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, phải có sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Nhiều ý kiến đề xuất phải xem đây là bậc học ưu tiên hàng đầu, có chính sách chế độ trực trưa cho giáo viên. Cần tăng nguồn vốn đầu tư cho bậc học này, tổ chức bán trú ngay cả nhóm trẻ 3-4 tuổi.
Về suy dinh dưỡng, phải xem đây là 1 loại bệnh, mà ngành y tế, cả xã hội vào cuộc chứ không riêng là trách nhiệm của ngành giáo dục.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô cho rằng, thời gian qua, Đề án đã được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, tuy nhiên, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, đặc biệt là cơ sở vật chất.
Thời gian tới, các địa phương phải có phương án, hoạch định rõ ràng, trang bị CSVC như thế nào để khắc phục, đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cho từng nhóm ngành.
Về cơ chế chính sách có liên quan của Chính phủ phải tổ chức chỉ đạo thực hiện, huy động của hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tuyển dụng bố trí sắp xếp giáo viên cho đảm bảo đúng quy định. Nâng cao chất lượng giáo viên, đảm bảo 60% đạt chuẩn từ CĐ, ĐH.
TP. Quảng Ngãi phấn đấu đến giữa năm 2015 phải hoàn thành, các huyện đồng bằng đến Qúy 3 và các huyện miền núi đến Qúy 4 năm 2015.
Tin, ảnh: Ái Kiều