(Baoquangngai.vn)- Sau khi sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính của TP. Quảng Ngãi đang nảy sinh nhiều vấn đề, có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các em học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10 nằm trong các trường thuộc diện sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi.
Tránh xáo trộn
Từ ngày 1.4.2014, 13 xã, thị trấn là thị trấn Sơn Tịnh, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) và Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An (Tư Nghĩa) thuộc về địa giới hành chính của TP. Quảng Ngãi.
Điều ấy đồng nghĩa với việc, xét về mặt pháp lý, học sinh lớp 9 có hộ khẩu ở các địa phương này có quyền đăng ký dự thi vào lớp 10 các Trường THPT không chuyên đóng trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.
Pháp lý là thế, tuy nhiên, về mặt thực tiễn, để tránh sự xáo trộn, có thể gây quá tải, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT đưa ra Dự thảo phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp phổ thông và giáo dục thường xuyên năm học 2014-2015.
Trong đó, tuyển sinh vào lớp 10 có hai phương thức tuyển sinh là thi tuyển và xét tuyển. Thi tuyển áp dụng với các trường THPT công lập đóng trên địa bàn các huyện đồng bằng và TP. Quảng Ngãi. Xét tuyển áp dụng cho học sinh đối với các trường THPT công lập không thi tuyển; trường THPT ngoài công lập; học viên hệ GDTX THPT.
|
Phương án tuyển sinh lớp 10 năm nay của Sở GD&ĐT không có điểm mới so với năm 2013, mặc dù địa giới hành chính thay đổi. |
Về bình diện chung, dự thảo phương án tuyển sinh năm nay không có điểm mới so với năm 2013. Có nghĩa là học sinh dự thi vào hệ không chuyên có hộ khẩu thường trú ở các xã của huyện Tư Nghĩa mới sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi được dự tuyển vào các trường THPT trong huyện Tư Nghĩa.
Học sinh các xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh mới sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi được dự tuyển vào các trường THPT Ba Gia, Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Mỹ và Số 1 Sơn Tịnh, không được dự thi vào các trường THPT Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình.
Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường của TP. Quảng Ngãi trước ngày ban hành Nghị quyết 123 của Chính phủ, chỉ được dự tuyển vào các trường THPT Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình.
Ủng hộ với một phần dự thảo phương án, thầy Đinh Hồng Mai- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa cho rằng, địa bàn tuyển sinh của Trường THPT Thu Xà là các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú, Nghĩa Hà và Nghĩa Hòa. Nếu học sinh các xã này không thi vào trường, thì nhà trường có khả năng đóng cửa vì thiếu học sinh. “Phương án tuyển sinh cần có định hình rõ ràng. Mặc khác, một số em có nguyện vọng (NV) thi vào các trường trên địa bàn TP. Quảng Ngãi cũ cũng nên tạo điều kiện”- thầy Mai lý giải.
“Ngăn sông cấm chợ”?
Dự thảo phương án này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc này chẳng khác nào “ngăn sông cấm chợ”, trong khi người dân sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi, họ thực hiện nghĩa vụ như một công dân của TP. Quảng Ngãi thì không lý gì quyền lợi của con em họ lại bị hạn chế. Phương án tuyển sinh cần khoa học và hợp lý hơn.
Nhà giáo Nguyễn Văn Anh- Trưởng phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi cho rằng, nếu xét về khoảng cách địa lý, các em ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú học ở Trường Trần Quốc Tuấn gần hơn vào Trường Số 1 Tư Nghĩa.
“Các em ở các xã mới sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi, nếu có nguyện vọng thi vào Trần Quốc Tuấn và Lê Trung Đình nên tạo điều kiện cho các em chọn trường phù hợp với năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình, không nên bất nhất như thế, cần khoa học và hợp lý hơn.”- thầy Anh bày tỏ.
Cùng quan điểm trên, thầy Nguyễn Địch- Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ cho rằng, dù các em đăng ký dự thi ở trường nào cũng nên tạo điều kiện tối đa cho các em. Làm sao để các em có NV1 vào Trường Trần Quốc Tuấn, nếu thi rớt vẫn được xét NV2 vào Trường Số 1 Sơn Tịnh, Huỳnh Thúc Kháng hay Số 1 Tư Nghĩa, Thu Xà nếu các trường này có điểm trúng tuyển thấp hơn.
Lo ngại trước sự ràng buộc về chỉ tiêu tuyển sinh có thể ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của các em, nhà giáo Nguyễn Hồng Danh- Hiệu trưởng Trường THPT Ba Gia cho biết, năm ngoái, trường có 128 em dự thi không trúng tuyển vào trường. Theo khảo sát, chỉ có 10 em xét tuyển vào Trường Dân lập Trương Định và Trung tâm DN- GDTX và HN huyện Sơn Tịnh, số còn lại đành từ bỏ ước mơ tới trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện xuống trung tâm huyện để học.
|
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tuyển sinh tự do trên địa bàn tỉnh. |
Còn thầy Nguyễn Thái Quảng- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn phân tích: Việc này có thể xáo trộn đến chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không lớn. Bởi lẽ, thông thường các em chọn thi vào những trường phù hợp với hoàn cảnh gia đình, thuận tiện cho việc đi lại, chỉ một số ít em có điều kiện mới chọn thi vào các trường này. Vì thế, việc “đóng cửa Trường THPT Thu Xà” khó có khả năng xảy ra.
Nên tuyển sinh tự do
Không chỉ tạo điều kiện cho các em ở các địa phương mới sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi được dự thi vào các trường trên địa bàn TP. Quảng Ngãi và giao thoa giữa các vùng giáp ranh. Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, phương án tuyển sinh tốt nhất là cho các em dự tuyển tự do trong tỉnh, để các em có thể chọn những trường thi phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh của mình.
“Về lâu về dài phải quy hoạch lại mạng lưới các trường THPT để phù hợp với quy mô dân số của các địa phương, nhằm tránh trường hợp nơi quá tải, nơi quá vắng”- thầy Nguyễn Tân Cảnh- Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 Sơn Tịnh kiến nghị.
Trước những ý kiến trái chiều từ dư luận và các nhà quản lý giáo dục, ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở sẽ trình UBND tỉnh dự thảo 3 phương án để UBND tỉnh chọn và phê duyệt.
Theo đó, phương án 1: Học sinh các xã mới sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi được dự tuyển vào các trường THPT trên địa bàn TP. Quảng Ngãi cũ như Trần Quốc Tuấn và Lê Trung Đình; phương án 2: tuyển sinh theo phương án năm 2013-2014 và phương án 3 là cho dự tuyển tự do trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Ái Kiều