(Báo Quảng Ngãi)- Những đổi mới của ngành giáo dục trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng năm nay đã giúp các em học sinh lớp 12 giải tỏa tâm lý, giảm bớt áp lực nhất trong thi cử và học tập, vì các em có quyền chọn 2 trong 6 môn tự chọn để thi tốt nghiệp. Chính vì “có cái quyền ấy” nên rất ít học sinh chọn thi môn Sử. Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để học sinh không “quay lưng” với môn Sử là điều dư luận quan tâm hiện nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ trước đến nay, môn lịch sử vốn đã bị một bộ phận học sinh xem nhẹ và có tư tưởng ngại học môn sử. Tuy nhiên, việc học sinh ngại học cũng như rất ít học sinh chọn thi môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 không có nghĩa là các em “quay lưng” lại với lịch sử nước nhà. Nhiều học sinh cho biết, các em ngại sử vì bộ môn này khó học, khó nhớ và khó đạt điểm cao.
Chọn thi khó đạt điểm cao
Theo khảo sát của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh ngại học môn lịch sử là vì chương trình sách giáo khoa không phù hợp do có quá nhiều tiểu tiết khó nhớ, khó tiếp thu đối với học sinh phổ thông. Chính vì vậy, muốn đạt điểm cao trong thi cử đối với bộ môn này đòi hỏi các em phải nắm các sự kiện và từng chi tiết nhỏ khiến các em không thể nhớ hết được.
Các em học sinh thắp hương tưởng niệm 504 người dân vô tội bị sát hại trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. |
Em Võ Thị Hồng Nhi, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Tư Nghĩa I, cho biết: Khi học về một sự kiện lịch sử, học sinh không chỉ hiểu về giá trị lịch sử của sự kiện đó mà phải học thuộc từng con số cụ thể mới đạt điểm cao. “Chẳng hạn như trận đánh nào đó thì có bao nhiêu người hy sinh, bao nhiêu người bị thương và tiêu diệt được bao nhiêu máy bay, thu được bao nhiêu vũ khí của địch và số quân địch bị bắt… Có quá nhiều con số bắt buộc chúng em phải nhớ. Đó là chưa kể các mốc thời gian. Chính vì vậy để giảm bớt áp lực, chúng em chọn thi những môn khác và nhiều bạn chọn môn địa lý thay vì chọn sử. Bởi môn địa lý có thể sử dụng atlat trong thi cử và rất thực tế nên chúng em không phải học bài nhiều”, Nhi nói.
Còn với em Phạm Thị Yến Thi, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) thì chia sẻ: “Nhờ có môn lịch sử mà nhiều bạn mới biết về vụ thảm sát Sơn Mỹ- nơi em đang sinh sống. Hơn nữa, chính bộ môn này đã giúp cho chúng em hiểu hơn và thêm yêu quê hương đất nước của mình. Tuy nhiên, môn lịch sử vốn rất khó học nên chúng em ít muốn học bộ môn này, nhưng không phải vì thế mà chúng em không biết gì về lịch sử dân tộc ta”.
Bên cạnh đó, cơ hội việc làm đối với những ngành nghề liên quan đến môn lịch sử không nhiều trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Trong những năm gần đây, tỷ lệ các em học sinh chọn thi khối C vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc ngày càng suy giảm. Điều đó đã phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý chọn học môn sử của học sinh.
Nên thay đổi phương pháp dạy
“Học sinh không học sử không có nghĩa là các em không yêu nước mà trên thực tế, các em học là vì miếng cơm manh áo sau này, vì trong tuyển dụng thì những ngành nghề liên quan đến lịch sử rất ít. Chính vì vậy mà các em đã không chọn thi môn này. Để học sinh không quay lưng lại với môn sử đòi hỏi phải đổi mới phương thức dạy sử. Thay vì nêu sự kiện, giáo viên nên kể những mẩu chuyện về sự kiện lịch sử để các em nghe và dễ nhớ; không nên đưa số liệu, mốc lịch sử quá nhiều. Để làm được điều đó thì trước hết phải viết lại sách giáo khoa”, thầy Lê Văn Nhân- Nguyên Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Sư phạm, nay là Đại học Phạm Văn Đồng, nói.
Thi tốt nghiệp THPT (năm 2013) tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn. |
Việc viết lại sách giáo khoa là vấn đề được nhiều nhà giáo và học sinh quan tâm hiện nay. Bởi chương trình sách giáo khoa mà các em đang học có một vài vấn đề chưa sát với thực tế và nhiều sự kiện mới chưa được cập nhật, nhất là các vấn đề mà dư luận đang quan tâm hiện nay. Nhiều nơi trong cả nước hiện đang triển khai đưa vào giảng dạy trong nhà trường một số sự kiện lịch sử nhưng trong sách giáo khoa vẫn chưa có đó là về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, về chủ quyền và những lễ hội liên quan góp phần khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, các di tích đình làng, mộ gió, Âm linh tự… Việc đưa đề tài này vào sách giáo khoa sẽ góp phần tuyên truyền và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của nước nhà. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần quan tâm đến ý nghĩa, giá trị của vấn đề, của sự kiện lịch sự thay vì nhồi nhét quá nhiều những con số, những chi tiết cụ thể gây khó nhớ cho học sinh.
Thầy Lê Thành Hưng- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thì cho rằng: Các em ngại học sử phần lớn là do nguyên nhân khách quan. Việc biên soạn lại sách giáo khoa phù hợp với tầm nhận thức của các em sẽ phần nào giúp các em thích thú với bộ môn này.
Thầy và trò cũng cần thay đổi cách dạy và học. Cần tạo điều kiện để các em tiếp xúc thực tế, đi tham quan những di tích lịch sử để các em nắm bắt và nhớ lâu sự kiện hơn thay vì chỉ học trong trí tưởng tượng từ những lời giảng của thầy, cô cùng với tấm bản đồ khô khan, gây nhàm chán trong các em.
Ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Tôi không bất ngờ với việc các em học sinh ít chọn môn lịch sử. Bởi trong thời gian này, các em đặt ra là phải đạt cả hai mục tiêu. Tức là, các em phải chọn môn học như thế nào để vừa đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp vừa đạt mục tiêu đỗ vào các trường ĐH. Vì vậy, việc học sinh không chọn môn lịch sử không có nghĩa là các em không yêu bộ môn này. Ông Huỳnh Thái Đức- Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh: Là một công dân Việt Nam không thể nói không hiểu về lịch sử về dân tộc của mình. Vì thế, để thu hút học sinh yêu môn học này đòi hỏi người thầy phải có khả năng giảng dạy lôi cuốn, chứng minh giá trị cũng như tầm quan trọng của bộ môn lịch sử. Thực tế, học sinh có khả năng tiếp thu rất tốt, vì vậy giáo viên phải có phương pháp phù hợp để các em có thể cảm nhận và thật sự rung động trước những sự kiện lịch sử của đất nước thì mới yêu thích và học tốt bộ môn này. Cô Lê Thị Thanh Hương- Tổ trưởng tổ sử- địa, Trường THPT Tư Nghĩa 1: Thật ra học trò rất thích học sử, nhưng do cách biên soạn sách giáo khoa chưa phù hợp, có quá nhiều tiểu tiết làm cho học sinh khó nhớ nên các em thiếu tự tin để đăng ký môn thi này. Bên cạnh đó, những thiết bị dạy học trang bị cho trường THPT vừa thiếu, vừa không phù hợp. Nhà trường không hề có lược đồ của một trận đánh mà chỉ có bản đồ lớn nên học sinh khó nắm được bài. Em Đặng Hồng Thạch- học sinh lớp 11A01, Trường THPT Tư Nghĩa I: Để học tốt môn sử đòi hỏi phải có niềm đam mê với bộ môn này. Đồng thời, mỗi bạn phải có phương pháp học riêng phù hợp với bản thân. Riêng đối với em, việc học môn sử giúp em hiểu và nắm bắt được lịch sử nước nhà cũng như các nước trên thế giới. Từ đó khơi dậy trong em niềm tự hào dân tộc. |
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG