Chọn môn thi tốt nghiệp THPT: Học sinh né ngoại ngữ, lịch sử

08:03, 25/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sau một thời gian tư vấn cho học sinh, các trường THPT bắt đầu cho học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp. Kết quả thăm dò bước đầu, nhiều trường ở miền núi tỷ lệ chọn môn ngoại ngữ rất thấp, thậm chí là 0%. Còn môn lịch sử cũng không khá gì hơn.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi Bộ GD&ĐT có thông báo chính thức về phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, rút bớt 2 môn so với các năm trước, thầy và trò các trường THPT vui mừng khôn xiết. Ngay sau đó, các trường đã tiến hành tư vấn, vận động học sinh trong việc chọn môn thi. Đến thời điểm này, nhiều trường đã cơ bản hoàn thành công việc này, mặc dù thời hạn đăng ký kéo dài đến 17.4.
 
Theo khảo sát ban đầu thì tỉ lệ chọn giữa các môn thi tốt nghiệp có sự chênh lệch khá lớn. Điều đáng lo ngại là nhiều trường THPT trên địa bàn các huyện miền núi, tỷ lệ chọn môn ngoại ngữ rất thấp.
 
Năm nay, Trường THPT Quang Trung (Sơn Hà) có 260 em học sinh khối 12, trong đó môn địa được đông đảo các em chọn thi với 131 em, kế tiếp là sinh, sử, lý và hóa học, còn ngoại ngữ chỉ có 5 em,  chiếm tỷ lệ (1,9%).
 
Học sinh miền núi sợ ngoại ngữ.
Học sinh miền núi sợ ngoại ngữ.
 
Thầy Lưu Thanh Hải- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với các trường miền núi, hầu hết các em học yếu các môn tự nhiên nên các em chọn các môn xã hội như địa, sử cũng là lẽ hiển nhiên. Trường đang vận động 5 em đăng ký thi môn ngoại ngữ chuyển sang các môn khác để dễ kiếm điểm mà cũng dễ hơn cho trường trong công tác tổ chức ôn tập.
 
Tại Trường THPT Trà Bồng, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Môn hóa dẫn đầu với tỷ lệ chọn 68,53%; địa 56,64%; lý 30,42%; sinh 19,58%, sử 13,64% và ngoại ngữ 11,19%. 
 
Lý giải về điều này, thầy Đỗ Ngọc Đức- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Việc môn ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc có nhiều thuận lợi cho học sinh vùng sâu, vùng xa như chúng tôi bởi nó là ngôn ngữ thứ ba với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nên ít học sinh tự tin để chọn môn này. Công bằng mà nói về phong trào học cũng như điều kiện, chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ của học sinh và giáo viên miền núi chưa thể theo kịp miền xuôi”.
 
Cũng theo khảo sát ban đầu, môn lịch sử rất ít học sinh chọn. Chỉ những em chọn thi Đại học là khối C thì mới chọn thi môn sử. Toàn trường THPT Lê Trung Đình có trên 460 học sinh nhưng chỉ có 37 em (8%) đăng kí thi môn lịch sử. Tại Trường THPT Số 1 Tư Nghĩa cũng chỉ 4.37% học sinh đăng kí. Trong khi đó, Hóa, Vật lý được các em lựa chọn nhiều nhất. 
 
Hóa, Lý là môn thi trắc nghiệm nên dễ lấy điểm. Bởi với những câu chắc chắn nắm được kiến thức, các em sẽ chọn câu trả lời đúng. Trường hợp những câu còn lại các em học sinh sẽ có cùng một lựa chọn chung cho câu trả lời. Như vậy chắc chắn các em sẽ không bị điểm liệt mà nắm chắc trong tay 25% số điểm, thầy Trần Thanh An, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình nhận định.
 
Việc thi tốt nghiệp như năm nay,
Việc thi tốt nghiệp tự chọn 4 môn phụ, khiến bộ môn lịch sử đang đứng trước khó khăn.
 
Giữa 2 môn xã hội là địa lý và lịch sử thì đa phần vẫn ưu tiên cho địa lý. Bởi môn địa lý dễ học, hơn thế nữa các em chỉ cần hiểu và chịu khó ôn tập thì đã có thể kiếm được điểm 5 trở lên, còn môn sử thì hầu như chỉ học thuộc lòng các số liệu, cũng như các sự kiện lịch sử để có thể làm bài.
 
Hiện nay, học sinh học thi ban C cũng là rất hiếm hoi, trong khi các em lại thường chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH. Số học sinh còn lại học lực trung bình đặt mục tiêu chỉ cần đỗ tốt nghiệp nên không chọn sử vì môn sử khó lấy điểm.
 
Đây không phải là lần đầu tiên môn học lịch sử được nhắc đến với sự lo ngại về việc nó sẽ bị “lãng quên” dần trong các trường học. Bởi theo các nhà giáo dục, việc dạy và học lịch sử hiện nay quá nhàm chán, gây khó khăn cho học sinh trong việc tiếp thu kiến thức. 
 
Việc Bộ đưa ra quyết định cải cách trong kì thi tốt nghiệp THPT đã phần nào giúp giảm áp lực cho các em học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp, giúp các em định hướng nghề nghiệp cho bản thân và có kết quả tốt hơn trong kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi Đại học vì hầu hết các em chọn môn thi tốt nghiệp cùng với khối thi Đại học.
 
Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay nếu không bắt buộc phải học và thi ngoại ngữ rất dễ dẫn đến việc học để đối phó trong khi đó nếu các em lên bậc học cao hơn, ngoại ngữ là môn đặc biệt quan trọng. Giáo viên giảng dạy môn lịch sử cũng đang lo lắng dân ta sẽ dần quên đi bề dày lịch sử vẻ vang của dân tộc. 
 
Cải cách, đổi mới là điều nên làm, nhưng việc đổi mới ấy phải làm sao để không tạo ra những bất cập mới. Hy vọng trong tương lai, một quy chế thi tốt nghiệp mới sẽ ra đời hợp lý hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT cho thí sinh tự chọn hai môn nhưng phải quy định thêm: Trong đó phải có một môn thuộc khoa học tự nhiên, một môn khoa học xã hội thì ổn hơn.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.