Dạy nghề cho lao động miền núi: Lúng túng trong dạy và tạo việc làm

03:04, 29/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động miền núi là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa phát huy hiệu quả cao bởi còn nhiều rào cản.

TIN LIÊN QUAN

Dạy nghề lưu động

Từ năm 2010 đến nay, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình 30a, huyện Sơn Hà đã huy động các nguồn lực, đầu tư kinh phí hơn 30 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm dạy nghề (DN) huyện, với 8 phòng học, 2 dãy nhà xưởng phục vụ thực hành và dãy nhà bán trú cho học viên và khu hiệu bộ. Dù được đầu tư khá bài bản nhưng tại đây mỗi năm chỉ tổ chức được 2-3 lớp DN, còn lại cán bộ trung tâm phải xuống tận cơ sở để mở lớp lưu động. “Với đồng bào, muốn dạy nghề hiệu quả chỉ có cách về tận thôn, khu dân cư để dạy. Học tập trung ở trường chỉ có số ít thanh niên ở thị trấn và xã gần trung tâm huyện, nhưng vẫn không tham gia trọn khóa”, anh Phạm Văn Công- Giám đốc Trung tâm DN huyện bộc bạch.

 

Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà được đầu tư hơn 30 tỷ đồng nhưng chưa phát huy hết công năng.
Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà được đầu tư hơn 30 tỷ đồng nhưng chưa phát huy hết công năng.


Mô hình dạy nghề lưu động cho đồng bào được xem là cách làm thành công nhất không chỉ ở Sơn Hà mà ở tất cả các huyện miền núi trong tỉnh. Cán bộ, giáo viên của trường phải cùng ăn ở dưới thôn bản để vận động bà con đi học nghề. Vì địa hình cách trở, đi lại khó khăn nên chỉ có thể dạy được những nghề trong lĩnh vực nông lâm nghiệp như: Thú y, trồng rừng, trồng nấm; chăn nuôi gia súc, gia cầm…Trong năm 2013, huyện Sơn Hà chỉ tổ chức được 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp tại Trung tâm, còn lại 11 lớp phải tổ chức lưu động tại các xã.    

Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng cũng rơi vào cảnh tương tự. Trung tâm được bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 9.2013, với kinh phí đầu tư khoảng 32 tỷ đồng, do Tổng Công ty Lương thực miền Nam tài trợ xây dựng. Bao gồm 11 phòng dạy lý thuyết (40 học viên/lớp); 4 nhà xưởng thực hành; khu nội trú đảm bảo nơi ở cho khoảng 250 học viên. Nhưng số học viên đến học tại trung tâm rất ít. Trong năm 2013, Trung tâm tổ chức 14 lớp lưu động, còn tại trung tâm chỉ tổ chức được 6 lớp.

Một khó khăn lớn nữa là, trình độ nhận biết ngành nghề đào tạo phù hợp với khả năng của người lao động rất hạn chế. “Nhiều lần tuyển sinh tại các thôn, chúng tôi hỏi gì người lao động chỉ lắc đầu. Mình phải tỉ tê, giải thích, vận động họ đi học. Cũng có một số “thấm”, còn một số vẫn ham đi rẫy, làm keo lấy tiền tức thì hơn là đi học”, anh Lưu Công Nhân- cán bộ quản lý Trung tâm DN Sơn Hà cho biết.

Các huyện miền núi trong tỉnh hiện có 2 trung tâm DN và 4 cơ sở đào tạo có đăng ký hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên, phần lớn điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn thiếu, đội ngũ giáo viên DN còn ít nên đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy nghề.

Hiệu quả chưa cao

Học nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã là khó, nhưng để họ sống được bằng nghề đã học thì càng khó khăn gấp bội. Trong năm 2012, Trung tâm DN huyện Sơn Hà đã phối hợp với một doanh nghiệp may của tỉnh mở lớp dạy nghề may, với 35 học viên. Tuy nhiên, sau thời gian 3 tháng, học viên phần lớn không ứng dụng được ngành nghề đào tạo, do không chịu đi làm ăn xa.

“Một trong những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi đó là, trình độ kiến thức và tay nghề của người lao động hiện còn thấp nên khó tìm được việc làm ổn định; trong khi đó tạo việc làm mới tại chỗ cho người lao động còn ít và thiếu bền vững. Người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số thích lao động tự do tại nương rẫy quê nhà, không quen với lao động có tác phong công nghiệp, nên rất ít lao động đi làm việc tại các nhà máy, công ty trong và ngoài tỉnh, mặc dù được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm”, bà Cù Thị Thanh Mai- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói.

Muốn phát huy hiệu quả trong DN và giải quyết việc làm cho lao động miền núi, ngoài vấn đề đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm tại chỗ thì cần có sự gắn kết đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, theo địa chỉ rõ ràng. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, nhất là chính quyền cấp xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu có nghề là có cơ hội thoát nghèo.

 

Bài, ảnh: KN  
 


.