Tăng cường dạy nghề theo nhu cầu

07:07, 03/07/2011
.

(QNĐT) - Những năm qua, công tác dạy nghề đã từng bước được đổi mới và phát triển về quy mô, tuy nhiên, nguồn nhân lực có tay nghề vẫn thiếu nghiêm trọng. Số lượng lao động trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 70%, vì thế, hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi là hết sức bức thiết trong bối cảnh hiện nay.

*Thực trạng từ nông thôn

Chưa bao giờ quá trình đô thị hóa diễn ra sôi động như hiện nay. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới…mọc lên ngày càng nhiều. Nó góp phần chuyển hướng phát triền kinh tế và là động lực dịch chuyển cơ cấu kinh tế ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn và miền núi.

Điển hình là Khu Kinh tế Dung Quất, tính đến đầu năm 2011, sau 14 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế Dung Quất đã có 113 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 54 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt nhất là Nhà máy Lọc dần Dung Quất, đã góp phần then chốt vào việc đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh còn khó khăn của cả nước, vươn lên đứng vào hàng thứ 5 trong các tỉnh có mức tăng tổng thu ngân sách cao nhất nước...
 
Không thể phủ nhận những lợi ích lớn lao của các dự án, tuy nhiên quá trình đô thị hóa đã bộc lộ cả mặt trái của nó. Đó là một diện tích lớn đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị, công nghiệp… trong đó các khu kinh tế trọng điểm là nơi có diện tích chuyển đổi lớn nhất.

Mặc dù trước khi thu hồi đất để triển khai các dự án, chính các chủ doanh nghiệp cam kết sẽ nhận người lao động tại địa phương, nhất là con em các hộ có đất bị thu hồi vào làm việc cho doanh nghiệp. Nhưng khi dự án đi vào hoạt động, lấy lí do lao động không có tay nghề, không đáp ứng được yêu cầu của công nghệ mới nên lới hứa ấy cũng theo gió mà bay đi.
 
Chưa có những con số thống kê chính xác nhưng thực tế cho thấy, là ngoài những diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi do dự án, có rất nhiều khu đất lân cận cũng được người dân chuyển đổi mục đích rồi phân lô bán nền; bị bỏ hoang vì quy hoạch treo, ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn…giờ đây trở nên hoang tàn.

Tại các xã khu Đông của huyện Bình Sơn, trước đây phần lớn người dân trên địa bàn đều sinh sống bằng nghề nông và nghề đánh bắt thủy hải sản. Từ khi các nhà máy, xí nghiệp được đầu tư xây dựng tại đây thì hàng vạn gia đình phải nhường đất, đến sinh sống tại các khu tái định cư. Mặc dù đến nơi ở mới, nhà cửa được xây dựng khang trang, đường sá rộng thênh thang, điều kiện sinh hoạt được cải thiện đáng kể… nhưng không có đất để sản xuất.
 
aa
Đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, vì không có nghề ổn định nên hằng năm, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở Quảng Ngãi gia nhập đội quân "Nam  tiến" hoặc lên Tây Nguyên làm thuê ngày một đông.
 

Một thực tế khác, phần lớn người dân sử dụng số tiền đền bù vào việc mua sắm các vật dụng trong gia đình, xây dựng nhà cửa, chi tiêu hằng ngày… Rất ít người dân sử dụng số tiền ấy để học cho mình một cái nghề, hầu hết là quay lại nghề nông nhưng ngặt nỗi chẳng còn đất để sản xuất. Thế là, chỉ sau một thời gian ngắn “ăn sung mặc sướng” những nông dân bị lấy đất để làm dự án trở thành những người “vô công rỗi nghề”. Một số khác tìm kiếm kế mưu sinh ở khắp nơi. Hàng năm, lực lượng trong độ tuổi lao động “gia nhập” đội quân “Nam tiến” hoặc lên Tây Nguyên làm thuê lo cho cuộc sống trước mắt mỗi ngày một đông hơn.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trung bình cứ mỗi hộ bị mất đất có khoảng 1,5 lao động bị mất việc, cứ mỗi ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi sẽ có 20 lao động nông nghiệp bị mất việc làm.

Ở đồng bằng là thế, miền núi càng nan giải hơn khi thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho dân, nhà nước đã cấp sổ đỏ cho dân. Mặc dù có sổ đỏ trong tay nhưng ít người có tiền để đầu tư cộng với thiếu hiểu biết về chính sách, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên hầu hết người dân ở miền núi cho thuê bớt rừng hoặc bán cho người khác để lấy tiền ăn, tiêu xài, mua sắm. Phần lớn đất rừng được cấp cho dân địa phương đều rơi vào tay của những người giàu có. Mất đất dân phải đi làm thuê. Họ lại luẩn quẩn trong vòng vây đói nghèo.

Số liệu điều tra mới đây, có tới 70% số lượng lao động trong độ tuổi lao động ở Quảng Ngãi chưa qua đào tạo. Mỗi năm, Quảng Ngãi có khoảng 30 ngàn người thiếu việc làm. Riêng tại Khu Kinh tế Dung Quất, hiện nay lao động cần giải quyết việc làm trên địa bàn Khu kinh tế gần 4.600 người, lao động cần đào tạo nghề hơn 5.200 người, lao động có nhu cầu cần chuyển đổi ngành nghề gần 900 người.

Song ấy, hằng năm lực lượng thanh niên tốt nghiệp THPT bổ sung vào lực lượng lao động khoảng 17 ngàn người, cộng với số lao động đang thất nghiệp dồn lại, khiến tình trạng thiếu việc làm hoặc mất việc làm ngày một gia tăng, kéo theo hàng loạt các tệ nạn xã hội.

Chính vì những lẽ đó, hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm, đặc  biệt là hướng đến đối tượng ở vùng nông thôn, miền núi, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân là hết sức bức thiết, nhất là đối với hàng nghìn hộ dân bị thu hồi đất.

*Hiệu quả khi đào tạo theo nhu cầu thực tế

Để hóa giải tình trạng trên, 5 năm qua, cùng với giải pháp tình thế là xuất khẩu lao động, Quảng Ngãi đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề theo chủ trương của Nhà nước.

Công tác dạy nghề đã từng bước được đổi mới và phát triển về quy mô, tuy vậy, việc học nghề vẫn chưa thu hút được học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, do xã hội chúng ta còn nặng về bằng cấp, học vị, thanh niên chưa hiểu đúng về vai trò của học nghề và chưa coi học nghề là con đường để lập nghiệp nên rủ nhau đổ xô vào các trường đại học, cao đẳng, trung học đào tạo nặng về lý thuyết để rồi người tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm do đào tạo không sát thực tế, trong khi lại thiếu người lao động có tay nghề.

Một khiếm khuyết nữa là do các cơ sở dạy nghề ở Quảng Ngãi còn yếu, năng lực của đội ngũ giáo viên còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, cơ cấu nghề đào tạo không còn phù hợp với các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động, chương trình, giáo trình dạy nghề đã lạc hậu.

Ở phạm vi khác, mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung tuy đã phát triển nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị. Trong khi nhu cầu học nghề của lao động ở nông thôn, miền núi, vùng xa là rất lớn nhưng họ không có khả năng trang trải chi phí khi về thành phố học nghề.

Năm 2010, năm đầu tiên triển khai Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Quảng Ngãi đã hỗ trợ kinh phí 10 tỷ đồng để đào tạo nghề cho hơn 3.220 người nghèo, lao động nông thôn, trong số ấy có khoảng 70% lao động sau khi tốt nghiệp khóa học được giải quyết việc làm và tự tạo việc làm.
 
aa
Quảng Ngãi đã cho hỗ trợ kinh phí 10 tỷ đồng để đào tạo nghề cho hơn 3.220 người nghèo, lao động nông thôn.

So với những đề án đào tạo người lao động trước đây thì đề án này được xem là trao cần câu cho nông dân vì có những đổi mới trong công tác đào tạo, cũng như giải quyết sau đào tạo cho người lao động. Từ đây, nông dân có thể tự thoát nghèo bằng đồng ruộng, chăn nuôi, cũng như vươn lên làm giàu.

Thay vì đào tạo các ngành nghề truyền thống như điện, cơ khí…, không mang lại hiệu quả thiết thực, thì các ngành nghề phù hợp với thực tế được các cơ sở dạy nghề đưa vào dạy thuộc các nhóm ngành bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú ý, trồng trọt, cơ khí - gò hàn, thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp...

Bà Phạm Thị Ngọc Kim - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh niên cho biết, thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm qua, trung tâm đã đào tạo nghề ngắn hạn (hệ Sơ cấp) cho gần 900 học viên thuộc  đối tượng là lao động nghèo, lao động nông thôn, trẻ em lang thang và gia đình trẻ em có nguy cơ lang thang ở các huyện Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa với các ngành nghề như thú y, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm chổi đót, làm nhang, trồng chiết cây cảnh…

Các ngành nghề đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương. Các giáo viên của Trung tâm đến tận địa phương truyền đạt những kiến thức cho bà con theo kiểu cầm tay chỉ việc. Sau 3 tháng được học nghề, Trung tâm đã giới thiệu cho 375 người làm việc ổn định tại các doanh nghiệp trong tỉnh và giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 300 lao động sau khi học các lớp sơ cấp nghề.

Tham gia lớp học dệt thổ cẩm do Trung tâm Dạy nghề Thanh niên mở tại địa phương, chị Phạm Thị Gam (24 tuổi) ở thôn làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) mới hiểu tận tường, muốn kiếm sống được bằng nghề này thì phải tìm sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần.

Trang phục bằng thổ cẩm ngày nay chỉ tồn tại trong các lễ hội hoặc dùng làm trang trí nên phải sáng tạo, phối hợp nhiều gam màu làm cho sản phẩm trở nên rực rỡ, phong phú và đa dạng . Giờ đây không chỉ đơn thuần là những tấm thổ cẩm với hoa văn trang trí là đường viền mà còn là những hình ảnh như cảnh sông suối, núi rừng, trời mây… càng làm tăng thêm nét độc đáo cho thổ cẩm làng Teng thì mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Một thời gian dài trước đó, chỉ vì chưa hiểu điều này mà cả làng vẫn sản xuất các sản phẩm theo kiểu truyền thống chỉ với 2 màu chủ đạo là đỏ và đen, sản phẩm đơn điệu nên đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, khiến cho nghề này đứng trước nguy cơ mai một.
 
Hiện ngoài việc vừa dệt vừa dạy lại cho các thiếu nữ khác trong làng, chị Gam còn là đầu mối thu mua sản phẩm của bà con và bán lại cho các cửa hàng ở Hà Nội. Trung bình mỗi tháng chị kiếm được từ 3-4 triệu đồng.

Đề án đã phát huy hiệu quả khi đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo, sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo với chiến lược quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.
 
aa
Đào tạo nghề theo y muốn của người học và nhu cầu của thị trường lao động bước  đầu mang lại hiệu quả.
 

 

Tuy nhiên, hiện công tác dạy nghề còn không ít khó khăn khi quá trình triển khai đề án, các cấp, các ngành thiếu sự quan tâm, những đối tượng đi làm ăn xa không mấy mặn mà với việc học nghề, nguồn vốn còn hạn hẹp. Ví như Trung tâm Dạy nghề Thanh niên, dù đã thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm nhưng vẫn thuê và sử dụng chung trụ sở với Nhà Văn hóa Thiếu nhi, do vậy Trung tâm không chủ động được các lớp học tại đơn vị.

Hay các Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp ở các huyện đã được bổ sung chức thêm chức năng dạy nghề và một số trường dạy nghề đã được thành lập ở những địa phương chưa có trung tâm dạy nghề, thế nhưng, tất cả mới chỉ là sơ khởi.

Để hoàn thành mục tiêu, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 10 ngàn lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm và tự tạo việc làm đạt tối thiểu 70-75% cần phải có một chính sách đồng bộ. Phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh… trên địa bàn tỉnh vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Có những chính sách thu hút cả học sinh lẫn giáo viên. Đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của lao động nông thôn, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương, đầu tư nâng cấp cơ sở chất, trang thiết bị cho các cơ sở tham gia đào tạo nghề, thu hút và tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên làm công tác đào tạo nghề được tham quan, tiếp cận, học hỏi các mô hình, các trang thiết bị mới…Có như vậy, mới đẩy mạnh được công tác, giải quyết việc làm, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của lao động hiện nay.
 

Ái  Kiều

.