(Báo Quảng Ngãi)- Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, hiện tượng học sinh bỏ học xảy ra tại nhiều địa bàn, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tại huyện miền núi Sơn Tây việc duy trì sĩ số học sinh đến trường sau Tết vẫn ổn định…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những con số vui
Sau một tuần học tập, sĩ số học sinh ra lớp ở cấp THCS, tiểu học của huyện Sơn Tây đạt đến 95% - 97%, riêng bậc học mầm non đạt 100%. Không khí giải bài, làm bài tại các lớp học diễn ra sôi nổi như thể thầy và trò nơi đây chưa hề trải qua một kỳ nghỉ Tết dài ngày. Thầy giáo Nguyễn Hoàng Nam, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Sơn Long, cho biết: “Sau Tết, ngày đầu tiên ra lớp, chỉ có 1 em nghỉ học vì bị sốt nhẹ. Bài tập cho các em về nhà từ trước Tết, hầu hết các em đều làm đầy đủ. Đó là niềm vui lớn đối với các thầy cô giáo chúng tôi”.
Học sinh Trường tiểu học Sơn Long đến lớp đều đặn sau nhiều ngày nghỉ Tết. |
Tuần qua, ngày nào các trường cũng cập nhật, báo cáo sĩ số học sinh về Phòng giáo dục huyện. Ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng phòng Giáo dục Sơn Tây cho biết: “Học sinh đến lớp đạt tỷ lệ cao hơn mọi năm. Số em nghỉ học là do đau ốm hoặc gia đình có việc đột xuất”.
Trong bảng thống kê của Phòng Giáo dục Sơn Tây, tỷ lệ học sinh ra lớp của địa bàn vùng sâu, vùng xa có trường cao hơn một số trường ở trung tâm huyện. Vui nhất là bậc học mầm non, sĩ số được duy trì 100% sau ngày mở cửa trường đón học sinh đi học trở lại sau những ngày nghỉ Tết. Điều này cho thấy, việc quan tâm đến chuyện học hành của con em đã được các bậc phụ huynh ở huyện miền núi Sơn Tây quan tâm. Ngày đầu đưa con đến lớp, nhiều phụ huynh còn cõng củi, mang theo ít lon gạo “đóng góp” cùng nhà trường chăm lo cho bữa ăn của con mình.
Biện pháp duy trì sĩ số hiệu quả
Khi Tết Giáp Ngọ cận kề, cũng là thời điểm học sinh miền núi Sơn Tây được cấp tiền và gạo hỗ trợ với gần 500.000 đồng và 15kg gạo/em/tháng. Con số cấp “dồn” lên đến 9 tháng. Toàn huyện Sơn Tây nhận tổng cộng 140 tấn gạo và hơn 4 tỷ đồng. Đó cũng là niềm vui khi Tết đến, nhưng cũng là nỗi lo của nhà trường. Ban giám hiệu tất cả các trường đã tổ chức “họp khẩn” để tìm cách “giải ngân” gạo và tiền hỗ trợ một cách hiệu quả nhất. Rất nhiều ý kiến đã đóng góp về Phòng giáo dục huyện đề nghị khẩn trương cấp gạo đầy đủ cho học sinh một lần, còn tiền hỗ trợ cấp thành nhiều đợt. Nếu cấp một lần số tiền lên đến hơn 4 triệu đồng/học sinh, có thể sẽ dẫn đến tình trạng có tiền, lại được nghỉ Tết dài ngày, các em sẽ đi chơi xa, bỏ bê chuyện học sau Tết.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, nhà trường mời các bậc phụ huynh lên thông báo rõ mục đích của việc cấp tiền thành nhiều đợt và đã nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Và thế là những ngày giáp Tết, học sinh được nhận vài ba tháng hỗ trợ, sau Tết những ngày đầu đi học trở lại, các em tiếp tục được cấp thêm. “Sau Tết được nhận tiền hỗ trợ, các em có động lực ra lớp. Đồng thời, việc cấp tiền hỗ trợ thành nhiều lần cũng giúp việc chi tiêu tiền đúng mục đích, chăm lo cho việc học của các em tốt hơn” – ông Đinh Văn Phia, thôn Gò Lã, xã Sơn Long nói.
Tại huyện Sơn Tây, trước Tết việc triển khai công tác duy trì sĩ số học sinh sau Tết được thực hiện bài bản. UBND huyện và phòng giáo dục chỉ đạo các trường, từng lớp học giáo viên chủ nhiệm phải mời phụ huynh đến để tuyên truyền, yêu cầu phối hợp. Ngày cuối trước khi nghỉ Tết, các thầy cô giáo còn đến tận gia đình trước là chúc Tết sớm gia đình, sau là nhắc nhở phụ huynh phải động viên con em đi học trở lại đúng quy định. Thế nhưng hai ngày trước khi bắt đầu học lại, thầy cô giáo đã phải có mặt ở trường để sắp xếp việc học, xuống địa bàn khu dân cư vận động, nhắc nhở học sinh ra lớp. Sự tận tâm, trách nhiệm của thầy cô giáo đã giúp phụ huynh, học sinh quan tâm hơn đến việc học. Và đó cũng chính là cách duy trì sĩ số hiệu quả ở huyện miền núi Sơn Tây trong nhiều năm qua…
Bài, ảnh: PV