Có hướng làm ăn mới, nông dân thôi ly hương

09:02, 13/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm trước, việc một gia đình có vài ba người  hay cả nhà rời bỏ quê hương đi tìm kế sinh nhai ở các thành phố lớn là chuyện phổ biến ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh). Nhưng mấy năm trở lại đây, thông qua việc phát triển mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò lai, Hội Nông dân xã Tịnh Bình đã “kéo” được nhiều gia đình quay trở lại quê hương để phát triển kinh tế.

TIN LIÊN QUAN

Rời phố về làng…

Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào 3 sào ruộng nhưng phải nuôi ba người con ăn học, nên chị Võ Thị Tiết ở thôn Bình Nam phải rời quê vào Nam lập nghiệp. Mười năm trời tha phương nơi đất khách với nghề bán kính dạo, 5 - 6 người chen chúc  trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2, để gom góp từng đồng bạc lẻ gửi về nhà nuôi con. Tuy nhiên, khi con cái mỗi ngày một lớn, tiền kiếm được từ nghề bán hàng rong không đủ  để có thể lo cho con chu toàn, chị Tiết quyết định… về quê kiếm nghề khác.

 

Chị Tiết đang chăm sóc đàn bò của mình.
Chị Tiết đang chăm sóc đàn bò của mình.


Lúc về nhà, nhìn mảnh vườn cỏ mọc um tùm do thiếu vắng đôi bàn tay của người phụ nữ, chị Tiết bỗng nảy sinh ý định tận dụng ngay mảnh đất vườn để trồng cỏ nuôi bò. Góp được 10 triệu đồng, chị Tiết quyết định mua 2 con bò cái sinh sản và bắt đầu ở lại quê hương từ ngày đó.

Vì ngay từ đầu chị Tiết đã chọn giống bò lai để chăn nuôi, nên sau khi bò sinh sản, chỉ cần nuôi thêm 10 tháng là bò con đã có giá hơn 20 triệu đồng. Đều đặn mỗi năm, chị Tiết thu về từ 40- 50 triệu đồng từ tiền bán bò. Không chỉ nuôi bò, chị còn chăn nuôi heo, gà, vịt…để xoay vòng vốn.

 Không riêng gì chị Tiết, mà ngay từ năm 2004, ông Từ Cơ ở thôn Bình Nam cũng rời nhà đi An Khê (Gia Lai) làm nghề róc mía thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Công việc vất vả nhưng bấp bênh vì phải phụ thuộc vào thời tiết và thu nhập chỉ được 70 nghìn đồng/ngày. Thế nhưng ông Cơ vẫn quyết tâm bám trụ vì ông nghĩ, nếu về quê làm ruộng thì không thể có được ngần ấy tiền. Mãi cho đến năm 2009, trong một lần về quê, tình cờ ghé thăm nhà người bạn, thấy mô hình trồng cỏ nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Cơ quyết định học hỏi cách làm ăn.

 Vay mượn bạn bè mua 2 con bò thịt, sau một năm chăn nuôi, ông Cơ thu về hơn 20 triệu tiền lãi. Có được số vốn ban đầu, ông đầu tư mua 2 con bò giống sinh sản. Sau 2 năm chăn nuôi, hiện giờ ông đã nhân rộng số bò lên gấp 3 lần. “Lúc đầu nghe bạn bè nói là đi làm mía ở An Khê thu nhập khá hơn làm ruộng ở quê nhiều, nên tôi vội đi ngay. Nhưng giờ mới thấy, nếu ở quê mà biết làm ăn thì thu nhập cao hơn nhiều, lại không phải xa vợ, xa con”, ông Cơ nói.

Đất không phụ người

Tịnh Bình lâu nay được biết đến là địa phương có nhiều người ly hương đến các thành phố lớn để làm nghề bán dạo kim chỉ, vé số, chổi lông gà… Cuộc sống còn bộn bề khó khăn, lại không tìm được hướng phát triển kinh tế, nên mọi người chấp nhận xa gia đình để mưu sinh. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây,  thấy mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều nông dân đã bắt đầu "chuyển hướng” trở về quê để gắn bó với ruộng đồng. Đất không phụ người, dựa vào kinh nghiệm và tìm hiểu thêm sách báo, nhiều người không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo cách tính của các hộ chăn nuôi bò lai, mỗi một con bò nếu được chăm sóc cẩn thận và đúng quy trình sẽ  tăng trọng nhanh và cho lợi nhuận từ 1,5 - 1,7 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy một cặp bò trong chuồng  sẽ mang về cho một hộ nông dân mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao đối với người dân ở một địa phương còn khó khăn như Tịnh Bình.

“Ngày trước, nhiều gia đình chỉ có trẻ em và người già ở nhà, còn lực lượng lao động chính đều đã ly hương đi Sài Gòn buôn bán. Nhưng hai năm trở lại đây, có hơn 200 gia đình trở về quê hương để chăn nuôi, trồng trọt, mà chủ yếu là chăn nuôi bò phát triển kinh tế.  Năm 2010, đàn bò của xã chỉ có 3.154 con, nhưng đến đầu năm 2014 đã tăng lên trên 6.000 con”, ông  Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Bình cho biết.

Trong khi nhiều nông dân đang rời quê để Nam tiến, thì việc bà con nông dân ở Tịnh Bình xác định được hướng phát triển kinh tế và quay trở về với đồng ruộng là một tín hiệu vui. Vì thế người dân đang rất cần được các ngành chức năng quan tâm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò để bà con có thể nhân rộng mô hình vươn lên làm giàu.
 

Bài, ảnh: LÊ DANH

 


.