Chế độ chính sách kịp thời giúp ngăn dòng bỏ học ở miền núi

09:02, 24/02/2014
.
Dọc tuyến tỉnh lộ lên huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà dễ nhận thấy đót khô phơi đầy đường, nhưng trên những sườn núi, chúng tôi không thấy bóng dáng học trò chặt đót mưu sinh như những năm trước. Vào các trường, dễ nhận ra vẫn còn một số chỗ ngồi vắng học trò. Dẫu vậy, trò chuyện với các thầy cô giáo, trên khuôn mặt họ ánh lên niềm vui, bởi học sinh đến lớp đông đủ nhất từ trước tới nay.
 
Cô Phan Thị Thanh Hải- Hiệu trưởng Trường THCS Trà Sơn vui mừng cho hay: Trường có 208 em, từ đầu năm đến giờ chưa có em nào bỏ học mà chỉ học giã gạo 16 em. Mọi năm nghỉ học chặt đót nhiều, nhưng năm nay số này rất ít. Những em nghỉ học đi chặt đót là những em có hoàn cảnh khó khăn, vì miếng cơm manh áo nên các em phải tạm thời xa ghế nhà trường để mưu sinh.
 
Hiện nay, các em đến trường được hưởng thụ nhiều chế độ chính sách: hỗ trợ gạo, miễn học phí, tặng quần áo, sách vở lại có thêm tiền bán trú cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy mà phụ huynh và học sinh cũng ý thức hơn tầm quan trọng của việc học.
 
Lớp học ở các trường miền núi đã đông đủ học sinh đến trường hơn mọi năm.
Lớp học ở các trường miền núi đông đủ học sinh đến trường hơn mọi năm.
 
Mang niềm vui này đến Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, thầy Lê Sơn- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cũng vui mừng không kém. Toàn huyện có 1.681 học sinh các cấp, tỷ lệ ra lớp đến nay đạt 97,7%, chỉ có 38 em  học giã gạo. 
 
Huyện Tây Trà, là một trong những địa phương “có tiếng” về tình trạng học sinh bỏ học nhiều năm qua. “Mấy năm, chừng này ngành giáo dục phải đi vận động, làm đủ mọi cách vì học sinh bỏ học quá nhiều thì năm nay ngày đầu tiên sau Tết đã đủ 100% sĩ số”- thầy Phạm Sơn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà cho biết.
 
Theo thầy Sơn, ngoài chế độ chính sách đúng, đủ, việc quan tâm bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường cũng đã tác động tích cực đến ý thức học tập của các em và sự quan tâm, động viên của các bậc phu huynh. Vừa qua huyện đã bố trí việc làm cho tất cả các sinh viên tốt nghiệp, sắp tới sẽ tiếp tục công tác này.
 
Trả lời câu hỏi “Tại sao một trường như THCS Trương Ngọc Vang nằm ngay tại trung tâm huyện, điều kiện đến trường không quá khó khăn lại là trường đứng đầu danh sách học sinh học học giã gạo? Có phải vì đót mất mùa?”. Thầy Phan Văn Việt- Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, học sinh học giã gạo chủ yếu là các em học yếu, ham chơi chứ hiện nay những em có hoàn cảnh khó khăn đã cải thiện đáng kể nhờ các chế độ chính sách. 

Để chứng minh, thầy đưa cho chúng tôi xem danh sách học sinh học giã gạo chiếm đa phần là học sinh lớp 6 và hầu như các em đều ở gần trường. Thầy Phạm Hữu Hoanh, giáo viên chủ nhiệm cho biết, hầu hết các em ham chơi, chứ không phải bỏ học đi hái đót. Vì ở ngay trung tâm huyện nên các em có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại nên dẫn đến ham chơi.

 

 Năm nay là năm học mà các thầy cô giáo ở miền núi đỡ vất vả khi phải lặn lội vận động học sinh ra lớp.
Năm nay là năm học mà các thầy cô giáo ở miền núi đỡ vất vả khi phải lặn lội đến tận nhà vận động học sinh ra lớp.
 
“Trước khi vào lớp, mình phải chạy dọc các con đường vào quán game gọi học sinh đi học. Đối với học sinh yếu kém, nhiều trường đã tổ chức dạy phụ đạo để các em không chán học và tiếp tục đến lớp, nhưng nhiều em học yếu quá nên không mặn mà với việc học. Những ngày tới mình sẽ tiếp tục đến nhà vận động các em trở lại lớp”- thầy Hoanh nói.
 
Theo thông tin từ các trường và 6 phòng giáo dục của 6 huyện miền núi của tỉnh, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giã gạo, khai thác đót sau Tết năm nay ở các huyện miền núi đã giảm đáng kể. 
 
Để “giữ” học sinh đến lớp, thời gian qua, cùng với các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho các em, các trường đều thực hiện nhiều biện pháp như: Miễn giảm các khoản phí, hỗ trợ kịp thời về mặt vật chất như tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, phân công giáo viên giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 
 
Để duy trì sĩ số, đồng thời vận động các em bỏ học trở lại trường, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm bám sát lớp, tăng cường quản lý học sinh, nắm bắt kịp thời diễn biến về tâm lý đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học cao.
 
Đồng thời, ngành giáo dục cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập trong học sinh, các bậc phụ huynh.
 
Một điều mà ngành giáo dục rất tha thiết đó là mong chế độ chính sách cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số không những được cấp đúng, đủ mà cần kịp thời để phát huy hiệu quả tích cực, giúp các em vơi bớt khó khăn, động viên, khích lệ các em nuôi ước mơ con chữ.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.