(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Quốc dân giai đoạn 2008-2020", với mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ (tiếng Anh) ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp Trung cấp, CĐ, ĐH có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc ở môi trường đa văn hóa, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, đề án này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với Quảng Ngãi, đến đầu năm 2012, UBND tỉnh mới phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Quốc dân trên địa bàn tỉnh đến năm 2020".
Mục tiêu hay
Theo đó, Quảng Ngãi sẽ triển khai chương trình giáo dục 10 năm môn tiếng Anh bắt buộc ở cấp học phổ thông. Từ năm học 2012-2013, thực hiện dạy học theo chương trình mới với khoảng 30% số lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô đạt khoảng 70% vào năm 2015-2016 và đạt 100% vào năm 2018-2019.
Lớp học bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh theo khung chuẩn tham chiếu Châu Âu tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chi nhánh Quảng Ngãi. |
Dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và đặc thù của bộ môn tiếng Anh (nghe- nói- đọc- viết), đảm bảo sự liên thông trong đào tạo tiếng Anh. Học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1 (A1), tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2 (A2) và tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3 (B1) theo Khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ chung Châu Âu. Phấn đấu có 10% cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục có trình độ tiếng Anh bậc 3 (B1) vào năm 2015 và đạt 25% vào năm 2020. Đối với Trường THPT chuyên Lê Khiết phải triển khai chương trình dạy toán, tin học bằng tiếng Anh. Mỗi cơ sở trường học trong tỉnh được trang bị đầy đủ một phòng học chuyên dụng dành cho bộ môn tiếng Anh, cung cấp đủ thiết bị được quy định trong danh mục thiết bị tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành cho phòng học thông thường để dạy học tiếng Anh...
Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này (không tính kinh phí xây dựng, nâng cấp sửa chữa phòng học) là 145,4 tỷ đồng, trong đó TƯ hỗ trợ 101,8 tỷ đồng và nguồn vốn của tỉnh 43,6 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, đa số giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đều cho rằng, đây là Đề án hay, nếu tổ chức thực hiện thành công sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
"Theo Khung tham chiếu Châu Âu, giáo viên Tiểu học phải đạt trình độ B1, THCS đạt trình độ B2 và THPT đạt trình độ C1" |
Hệ quả của lỗi quy trình
Để có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh theo mục tiêu của đề án đưa ra, ngành giáo dục đã tổ chức sát hạch với toàn bộ giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Kết quả chỉ có khoảng 10% giáo viên đạt điểm chuẩn theo Khung tham chiếu Châu Âu (ở các thành phố lớn trong cả nước cũng đạt dao động trong khoảng 15%-PV). Thực tế trên cho thấy, việc dạy và học bộ môn tiếng Anh trong các bậc học ở tỉnh ta trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức.
Một giáo viên có thâm niên dạy tiếng Anh ở bậc THCS chia sẻ: Đây là hệ quả của cả một quá trình đào tạo lỗi thời. Gần như 100% giáo viên trên địa bàn tỉnh (kể cả giáo viên mới ra trường) đều không thể hiện được kỹ năng nghe- nói theo Khung tham chiếu Châu Âu. Nguyên nhân các Trường sư phạm ở nước ta thời gian qua chỉ chú trọng kỹ năng đọc- viết. Mặt khác, một bộ phận giáo viên có trình độ năng lực, nhưng không thể vận dụng hết các kỹ năng được học để truyền đạt cho học sinh, vì năng lực các em có hạn, trang thiết bị không được trang bị đầy đủ, nhất là ở các trường nông thôn, miền núi, nên nay buộc những giáo viên có thâm niên 10-15 năm thực hiện đầy đủ các kỹ năng theo chuẩn của ta đã khó huống chi áp dụng Khung tham chiếu Châu Âu. Chính vì trang thiết bị, giáo viên, cán bộ quản lý bộ môn tiếng Anh thiếu chuẩn sẽ sản sinh một thế hệ học sinh, sinh viên không đủ chuẩn là một hệ quả tất yếu.
Thực tế xa thăm thẳm
Trước thực trạng đó, từ năm 2012 đến nay, ngành giáo dục đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 668 giáo viên ở 3 cấp học theo Khung tham chiếu Châu Âu bằng cách phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và mời giáo viên bản ngữ trực tiếp giảng dạy. Ông Hồ Tấn Yên - Trưởng Phòng giáo dục THPT (Sở GD&ĐT Quảng Ngãi) cho rằng, để giáo viên đạt đến chuẩn mới là điều không dễ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm, vì đây là xu thế chung của đất nước mà ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. “Vấn đề đặt ra cho bài toán này là ngành giáo dục phải đổi mới một cách căn bản trong việc dạy và học tiếng Anh ở tất cả các cấp học. Việc đào tạo, bồi dưỡng này chỉ đổi mới một bước mà thôi" - ông Yên nói.
Chia sẻ với chúng tôi, phần lớn giáo viên được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình mới, đều chưa chuẩn bị tâm lý cho việc tiếp cận với giáo trình mới này nên nhiều người bị choáng với khối kiến thức và phương pháp truyền đạt của giáo viên bản ngữ. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm - giáo viên Trường THPT Sơn Tịnh 1, cho biết, chúng tôi học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng từ giáo viên bản ngữ qua lớp bồi dưỡng này, song do hầu hết giáo viên lâu nay ít được trau dồi kỹ năng nghe – nói, nên việc tiếp thu bài giảng chỉ ở mức tương đối. “Thời gian học chỉ có 6 tuần nhưng chương trình khá nặng, khó nuốt hết khối lượng kiến thức. Vì vậy, nguy cơ bị trượt trong kỳ thi kiểm tra cuối khoá là rất lớn”- cô Tâm tâm sự.
Lo ngại của cô Tâm cũng là một thực trạng chưa thể lấy gì làm vui cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng này. Bởi lẽ, thực tế tỷ lệ giáo viên đạt điểm chuẩn theo Khung tham chiếu Châu Âu sau mỗi khoá đào tạo, bồi dưỡng tại tỉnh và ở Đà Nẵng là không cao. Đồng thời, với những giáo viên đạt chuẩn trong đợt bồi dưỡng này cũng không thể vận dụng hết những kiến thức đã được tiếp thu để truyền đạt cho học sinh trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, kiến thức tiếng Việt có hạn, nhất là học sinh miền núi. Một bất cập nữa là, nhiều giáo viên được cử đi học tập, bồi dưỡng có thời gian công tác còn lại không nhiều và do ảnh hưởng tuổi tác, nên việc tiếp thu kiến thức cũng không bằng lớp giáo viên trẻ. Từ thực tế đó, cho thấy “con tàu” đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Quốc dân trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 này vẫn chạy với tốc độ ì ạch, chưa có nhiều tín hiệu lạc quan như mục tiêu đề ra.
Ông Trần Hữu Tháp - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Theo lộ trình hiện nay, tôi nghĩ ngành giáo dục sẽ thực hiện được theo yêu cầu của Đề án. Tuy nhiên, cái khó là giáo viên của chúng ta hiện nay dù đã tốt nghiệp theo đúng bằng cấp học chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT, nhưng theo khung chuẩn Châu Âu thì còn quá hạn chế. Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải thay đổi phương pháp dạy và giáo trình từ cấp học thấp nhất cho đến đại học. Có như vậy may ra Đề án mới thành công như mong đợi. Ông Nguyễn Văn Anh - Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Chúng tôi thực hiện theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT, nhưng vẫn còn quá nhiều hạn chế như việc bồi dưỡng cho giáo viên còn lẻ tẻ không mang tính đại trà. Bên cạnh đó, một số giáo viên lớn tuổi dù có được bồi dưỡng đi chăng nữa thì cũng khó “đua” theo chuẩn như yêu cầu của Đề án. Còn tuyển mới giáo viên có trình độ ngoại ngữ chuẩn thì lại hết chỉ tiêu. Bà Mrs Erika, giảng viên đến từ Hoa Kỳ Trong thời gian dạy bồi dưỡng, tôi nhận thấy giáo viên có trình độ ngoại ngữ chỉ ở mức tương đối và rất khó để các bạn theo kịp chương trình trong thời gian ngắn. Ngoài ra, cơ sở vật chất như máy chiếu, máy phát, thu âm cũng hạn chế dẫn đến người học khó mà biết được mình có phát âm đúng chuẩn chưa. Thầy Phạm Quang Nhân – giáo viên tiếng Anh Trường THCS Bình Nguyên 1, huyện Bình Sơn Thành thật mà nói thì chương trình của Đề án quá nặng. Bản thân tôi mới chỉ tiếp thu khoảng 20% kiến thức học. Bên cạnh đó còn công việc dạy và học ở trường nữa nên rất áp lực. Chúng tôi rất lo lắng cho tương lai, vì theo yêu cầu nếu đến năm 2020 giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn theo Khung tham chiếu Châu Âu thì sẽ không được lên lớp. |
P.Đức- L.Đức