Mô hình trường tiểu học mới: Giúp trẻ hình thành các kỹ năng

02:12, 15/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 3 học kỳ triển khai thực hiện mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (gọi tắt là dự án VNEN) tại Trường Tiểu học Nghĩa Chánh đã đem lại những hiệu quả nhất định.

TIN LIÊN QUAN

Dự án VNEN do Quỹ Hợp tác giáo dục toàn cầu (GPE) tài trợ và Ngân hàng thế giới (WB) điều hành. Mục tiêu của Dự án VNEN là: “Tạo điều kiện cho trẻ em thuộc các nhóm trẻ khó khăn hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học có chất lượng bằng cách thông qua đổi mới sư phạm, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy - học; rút ra những bài học thực tiễn có giá trị về đổi mới sư phạm trên toàn quốc, nhằm hướng đến giáo dục có chất lượng và bền vững”.

Đổi mới căn bản, toàn diện

Năm học 2012- 2013, thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, Trường Tiểu học Nghĩa Chánh đã thực hiện mô hình trường tiểu học mới tại 9 lớp của khối lớp 2 và 3. Đến năm học 2013- 2014, trường tiếp tục triển khai cho các em học sinh khối lớp 4. Thông qua mô hình học mới này, học sinh đã mạnh dạn, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập, tư duy độc lập và phát hiện kiến thức mới. Đây được coi là phương pháp học tập hiệu quả, tích cực, làm thay đổi tư duy trong dạy và học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

Tiết học của lớp 3A, Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).
Tiết học của lớp 3A, Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).


Tại lớp 3A của trường, chúng tôi nhận thấy ngay từ cách sắp xếp bàn ghế, trang trí lớp học đã có nhiều đổi mới. Học sinh không còn ngồi hướng lên bảng để nghe cô giáo giảng như cách học truyền thống, mà các em được sắp xếp ngồi thành nhóm. Cả lớp có 33 học sinh  được chia thành 6 nhóm. Các em tham gia thảo luận sôi nổi; các học sinh trong nhóm cùng nhau học tập, tự đánh giá mình, đánh giá bạn, còn giáo viên là người hướng dẫn và đánh giá sau cùng. Phương pháp học mới này giúp học sinh được trao đổi nhiều hơn, qua đó vốn tiếng Việt của các em tăng lên rõ rệt, từ đó hình thành kỹ năng giao tiếp cho các em.

Cô giáo Đặng Thị Thanh Diệu- Giáo viên chủ nhiệm lớp 3A cho biết: Mục đích của dự án VNEN là đổi mới phương pháp dạy học, thay phương pháp dạy học truyền thống bằng phương pháp dạy học mới và tăng cường các hoạt động giáo dục. Giáo viên phải tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm. Học sinh trở thành trung tâm của lớp học thay vì luôn chủ động như trước kia.

Điều khác biệt của mô hình trường học mới so với trường học truyền thống là có Hội đồng tự quản học sinh. Hội đồng này được thành lập và do học sinh quản lý, điều hành để đảm bảo cho các em tham gia một cách dân chủ và tích cực vào đời sống học đường. Mô hình trường tiểu học mới chú trọng đánh giá năng lực của học sinh thông qua khả năng tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; đánh giá sự hình thành và phát triển các phẩm chất của học sinh đánh giá sự tiến bộ của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà không so sánh với các học sinh khác...

Giáo viên phải… “oằn mình”

Mặc dù phương pháp dạy học mới có nhiều ưu điểm, nhưng để triển khai đại trà vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến việc số lượng học sinh trung bình trong một lớp học hiện nay quá đông và trình độ học sinh không đồng đều. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất giữa các vùng miền khác nhau cũng là rào cản cho việc áp dụng phổ biến phương pháp mới.

Thầy Lê Văn Địch- Giáo viên chủ nhiệm lớp 4C chia sẻ: Nếu như với phương pháp dạy học truyền thống thì mỗi lớp chỉ có 1 cuốn sổ ghi điểm và mỗi học sinh có 1 sổ học bạ, thì với dự án VNEN, mỗi giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phải có cuốn nhật ký đánh giá; học sinh phải có bản đánh giá tiến độ cá nhân, nhóm; phụ huynh phải có phiếu nhận xét vấn đề học tập của con em tại nhà…

Như vậy đến khi chuyển lên cấp học trên, mỗi học sinh sẽ có cả “chồng” hồ sơ. Điều đó đã gây không ít khó khăn cho giáo viên. Bên cạnh đó, sĩ số lớp học quá đông, có lớp trên 40 học sinh, mỗi tiết học chỉ có 35 phút mà giáo viên phải đến tất cả 6- 7 nhóm để hướng dẫn cho học sinh cũng khó đảm bảo về chất lượng.

Hiện cơ sở vật chất là vấn đề đáng lo ngại nhất. Diện tích phòng học chưa đảm bảo gây khó khăn cho các hoạt động tập thể, làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự án. Trường chỉ tận dụng bàn học cũ để sắp xếp lại cho học sinh ngồi theo nhóm không phù hợp cho các giáo viên Tiếng Anh, Mỹ thuật...  khi dùng bảng để giảng bài cho cả lớp làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện cơ thể trẻ. “Mặc dù nhà trường đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nhưng do nhận thức về dự án VNEN của một số giáo viên và phụ huynh chưa cao, đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng nhằm có sự nhất quán từ nhiều phía”, thầy Trần Quang Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường, nói.

“Việc áp dụng phương pháp dạy học mới mang ý nghĩa hiện đại. Lâu nay người ta chỉ đánh giá chỉ số thông minh (IQ). Tuy nhiên trên thực tế, chỉ số này giảm dần theo độ tuổi và nó chỉ đóng góp vào sự phát triển của trẻ khoảng 20%. 80% còn lại là chỉ số xã hội (SQ) giúp cho con người có thể giải quyết mọi vấn đề trong mối quan hệ tập thể điều đó khẳng định sự thành công trong công việc của mỗi người thông qua các kỹ năng thu hút, giải quyết vấn đề… Việc áp dụng phương pháp dạy học mới về bản chất chính là hình thành cho trẻ những kỹ năng này”, ông Huỳnh Thái Đức- Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh nhận định.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.