Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học: Tiến đến phủ khắp

01:11, 23/11/2012
.

(QNg)- Học sinh tiểu học ở nhiều địa  phương đang tiếp cận môn tiếng Anh dưới hình thức môn học tự chọn. Kế hoạch đến năm 2015, môn học này là môn chính khóa ở các trường tiểu học.   
 

TIN LIÊN QUAN


Môn học thời... mở cửa   

Nhiều bậc phụ huynh đồng tình với việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Ngoài thời gian học ở trường, nhiều người tìm cách đầu tư vốn tiếng Anh cho con trẻ thông qua dạy thêm-học thêm, sách, báo, phim ảnh… Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng đây là môn học thời... mở cửa. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng nhiều trong giao tiếp mang tầm vóc đa quốc gia, là tiêu chuẩn thuộc vào tốp quan trọng hàng đầu trong công tác tuyển dụng hiện nay. "Thời buổi này làm gì cũng đòi hỏi trình độ tiếng Anh. Tiếng Anh là môn học cần thiết. Cho trẻ học sớm để thuận lợi cho tương lai sau này", chị Nguyễn Thị Huyền (ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi), có con học tiểu học, chia sẻ.

 

(QNg)- Học sinh tiểu học ở nhiều địa  phương đang tiếp cận môn tiếng Anh dưới hình thức môn học tự chọn. Kế hoạch đến năm 2015, môn học này là môn chính khóa ở các trường tiểu học.
Học sinh lớp 3E, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học tiếng Anh.


Ở Quảng Ngãi, nhiều trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh dưới hình thức môn học tự chọn. Môn tiếng Anh được dạy cho học sinh từ khối lớp 3 đến lớp 5. Ông Đặng Phiên-Trưởng Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, hầu hết các huyện triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 trong toàn tỉnh được học tiếng Anh chiếm 40%. Các trường tiểu học phần lớn dạy tiếng Anh cho học sinh ở khu vực đồng bằng với thời lượng 2 tiết/tuần.

Theo ông Đặng Phiên, Bộ GD&ĐT đưa ra lộ trình đến năm 2015 tiếng Anh là môn học bắt buộc ở các trường tiểu học. Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, Sở GD&ĐT tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Hiện tại, nhiều giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở tỉnh ta đang theo học lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ do Trường ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Nhiều trăn trở

Mặc dù kết quả kiểm tra môn tiếng Anh không ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh vì là môn học tự chọn, thế nhưng đã tổ chức giảng dạy thì đòi hỏi chất lượng. Xoay quanh việc dạy và học môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học còn nhiều điều trăn trở. Cung chưa đủ cầu là nhận định của nhiều người khi đề cập đến việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học môn tiếng Anh bậc tiểu học. Hiện toàn tỉnh chưa có trường tiểu học nào được đầu tư phòng LAP, phòng học chuyên biệt dành cho bộ môn tiếng Anh. Nhiều giáo viên phải dạy "chay" do thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học môn tiếng Anh.

Theo đánh giá của nhiều cán bộ-giáo viên, chương trình tiếng Anh mới do Bộ GD&ĐT ban hành nặng đối với học sinh tiểu học-lứa tuổi được xếp vào diện làm quen với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Một giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học ở TP.Quảng Ngãi, cho biết: "Học sinh lớp 3 mà có bài phải học đến 8 từ mới, học thuộc bài hát tiếng Anh dài gần chục câu... Như thế là quá nặng". Không chỉ nhiều từ mới trong một bài học, theo một số giáo viên thì cấu trúc câu trong chương trình tiếng Anh thí điểm cũng là áp lực đối với học sinh. "Kiến thức mới nhiều, trong đó có cấu trúc câu. Thời gian giảng dạy mỗi tiết học thì có hạn, do đó ảnh hưởng đến việc khắc sâu kiến thức của học sinh", cô giáo Ngô Thị Tuyết (GV tiếng Anh, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi) nói.  
 
Học sinh bậc tiểu học yêu thích môn tiếng Anh là điều không thể phủ nhận. Và, cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Anh trong giai đoạn mới hiện nay. Thiết nghĩ, việc dạy và học môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học cần sự quan tâm đầu tư đúng mức để đảm bảo chất lượng.

 

Bài, ảnh: Phương Lý

 


.