Không chấm điểm học sinh lớp 1: Giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn

08:11, 11/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2013- 2014 là năm đầu tiên thực hiện chủ trương không chấm điểm cho học sinh lớp 1. Điều đáng mừng là nhiều phụ huynh đã dần “thích nghi”với chủ trương mới, các bé thì được giảm bớt áp lực. Nhưng đối với giáo viên thì phải nỗ lực hơn, thay vì cho điểm như trước kia thì nay phải ghi ý kiến nhận xét.

TIN LIÊN QUAN

Việc thực hiện chủ trương không chấm điểm cho học sinh lớp 1 đã diễn ra hơn 2 tháng nay, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến mỗi trường có một cách nhận xét khác nhau. Đây là cái khó đối với giáo viên.  

Đồng tình, nhưng cũng lo

Đến nay, nhiều phụ huynh đã dần tiếp cận và đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT. Thay vì thắc mắc những lời nhận xét của giáo viên trong vở của con em mình, nhiều phụ huynh còn phối hợp với giáo viên trong việc giải thích cho con em hiểu, để các bé cố gắng hơn trong việc học tập, nhằm tránh sự tự ti, mặc cảm, nhất là ở những bé có học lực yếu. “Việc thực hiện chấm điểm cho học sinh lớp 1 như trước đây sẽ giúp phụ huynh đánh giá học lực của con mình sát hơn, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Giáo viên chỉ nhận xét, đánh giá, tránh sự chỉ trích. Phụ huynh có thể thường xuyên trao đổi với giáo viên để xem con mình còn điểm gì khiếm khuyết để phối hợp với giáo viên và nhà trường nhằm giúp bé phát triển toàn diện hơn”, chị Lê Dụng Túy Trâm, phụ huynh em Nguyễn Lê Trân, lớp 1G, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm, nói.

 

 Không chấm điểm giúp giảm áp lực cho học sinh lớp 1.
Không chấm điểm giúp giảm áp lực cho học sinh lớp 1.


ông Thái Phan Thành - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Quảng Ngãi cho biết:  Khi mới thực hiện, nhiều phụ huynh thắc mắc vì sao không cho điểm trong vở của con em. Tuy nhiên, sau khi được giáo viên giải thích và hướng dẫn thì nhiều phụ huynh đã đồng tình với chủ trương của Bộ. Điều đó đã tác động tích cực đến nhận thức của phụ huynh trong việc không cho con học trước chương trình để chạy đua với điểm số. “Việc thực hiện chủ trương không chấm điểm học sinh lớp 1 sẽ giúp giáo viên tập trung chăm sóc học sinh nhiều hơn thông qua việc trao đổi với từng học sinh và ghi chép sự tiến bộ của từng em. Đối với học sinh, sẽ giúp các cháu vui vẻ, tự tin hơn”, ông Thành nhấn mạnh.

Cần sự tận tâm của giáo viên

Ngay khi triển khai thực hiện chủ trương không chấm điểm cho học sinh lớp 1, nhiều giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận xét học sinh. Bởi lẽ, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhiều giáo viên lúng túng trong việc nhận xét học sinh. Chính vì vậy mà dẫn đến tình trạng mỗi nơi nhận xét mỗi kiểu. Để khắc phục tình trạng này, Phòng GD&ĐT thành phố đã áp dụng theo phương pháp của Sở GD&ĐT TP.HCM về hướng dẫn tạm thời cách nhận xét trong khi chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Theo đó, giáo viên tại các trường trên địa bàn thành phố áp dụng những lời nhận xét chung như: Đối với những bài đạt khá thì giáo viên sẽ nhận xét “Bài làm khá tốt, nếu em cố gắng hơn thì em sẽ có kết quả tốt hơn”; đối với những em chưa hoàn thành bài làm thì sẽ có lời nhận xét: “Em sẽ có kết quả cao hơn nếu em chú ý thêm bài giảng”…

Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1 thì nhận thức của các bé vẫn còn non nớt nên việc đưa ra các lời nhận xét như trên sẽ khiến bé khó hiểu. Vì vậy, ngoài việc nhận xét, giáo viên còn phải giải thích để các em hiểu. Điều đó sẽ làm mất thời gian trong mỗi tiết học, nên giáo viên chỉ có thể nhận xét vài em và ghi lời nhận xét vào vở cho 5- 7 em. “Nếu không ghi lời nhận xét cho các em còn lại sẽ khiến phụ huynh thắc mắc và nhất là họ không thể theo dõi tình hình học tập của con em.

Vì vậy, trong giờ giải lao, thay vì nghỉ thì chúng tôi phải tranh thủ ghi lời nhận xét cho tất cả các em còn lại”, cô Lữ Thị Xuân Sương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo tâm sự. Bên cạnh đó, thay vì có sổ ghi điểm như trước đây thì nay mỗi giáo viên đều có cuốn sổ để hàng tuần các cô giáo ghi lời nhận xét cụ thể đối với từng em nhằm có cơ sở theo dõi sự tiến bộ của mỗi em. Điều này khiến giáo viên phải vất vả hơn.

“Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần đưa ra hướng dẫn nhận xét tạm thời nhằm thống nhất trong cách nhận xét. Đặc biệt, giáo viên cần nhận xét sự tiến bộ của học sinh, tránh so sánh gây áp lực cho các em, nhằm đảm bảo tính tích cực về chủ trương của Bộ GD&ĐT”, ông Thành nói.

Bài, ảnh: PV
 


.