Gian nan con chữ ở xóm Đèo

01:10, 02/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù được quan tâm rất nhiều nhưng học sinh ở xóm Đèo, thôn Tân Mỹ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) hiện vẫn còn học trong những lớp ghép. Nơi này có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 90% dân số, phần lớn là đồng bào Hrê. Có lẽ vì thế mà chuyện dạy và học khó bắt kịp với miền xuôi…

TIN LIÊN QUAN

Lớp học “2 trong 1”

Cơn mưa chiều nặng hạt làm cho con đường về xóm Đèo trở nên xa và vắng bóng người qua lại. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà đơn sơ, với kiểu dáng không khác gì mấy so với nhà của người Kinh. Thế nhưng có mặt tại lớp học dưới chân đèo Chim Hút, nếu không được giới thiệu trước chúng tôi khó có thể hình dung ra đây là lớp học. Bởi lẽ, lớp chỉ có vỏn vẹn 10 học sinh, chia thành hai dãy theo trình độ lớp 2 và lớp 3. Cô giáo vã mồ hôi  qua lại hai đầu bảng để giảng bài cho học sinh của hai lớp, thi thoảng lại đến gần cầm tay học sinh uốn nắn từng nét chữ.

 

Cô giáo Đinh Thị Kem dạy chữ cho học sinh ở xóm Đèo, xã Hành Dũng.
Cô giáo Đinh Thị Kem dạy chữ cho học sinh ở xóm Đèo, xã Hành Dũng.


Tranh thủ giờ ra chơi, cô giáo Đinh Thị Kem - giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: Đây là học sinh dân tộc Hrê ở xóm Đèo không có điều kiện đến trường trung tâm. Phần thì gia cảnh quá khó khăn, phần thì đường đi xuống trung tâm xã khá xa. Do vậy chính quyền địa phương mở lớp học ngay trong xóm. Gần 10 năm nay, lớp học chủ yếu dạy cho con em trong xóm từ các lớp 1, 2, 3. Các lớp lớn hơn thì học tại điểm trường chính.

Theo cô giáo Kem, giảng dạy cho học sinh ở lớp ghép là quá trình đầy “chông gai”. Trong cùng một buổi, cùng một phòng học lại phải dạy cho học sinh của cả hai lớp khác nhau về kiến thức. Cách dạy học này vừa tốn thời gian, vừa làm cho giáo viên phân tâm không thể diễn đạt hết nội dung bài giảng. Việc dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây rất đỗi gian truân. Đa số các em gặp khó khăn khi nói tiếng phổ thông, thế nên hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức. “Cùng là người địa phương, thương học trò nơi đây nên tôi cố gắng vượt qua khó khăn để giúp các em học tập. Chỉ có học mai này các em mới có điều kiện thoát khỏi đói nghèo”, cô giáo Kem bộc bạch.

Bao điều trăn trở

Không chỉ vã mồ hôi dạy cho học sinh từng con chữ, cô giáo Kem  chẳng đếm xuể số lần băng qua nương, rẫy để vận động các em đến lớp. Cô giáo Kem cho hay, học sinh thường đi học theo kiểu “giã gạo”. Để duy trì sĩ số học sinh, cô giáo phải vất vả đến nhà vận động. Khó khăn chồng chất thế nhưng cô vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. “Mong chính quyền các cấp quan tâm xây nhà vệ sinh tại điểm học ghép ở xóm Đèo và tu sửa phòng học đã xuống cấp để không nguy hiểm đến tính mạng học sinh trong mùa mưa bão đến”, cô giáo Kem mong muốn.

 Vẫn biết chất lượng giáo dục ở lớp ghép không đảm bảo, thế nhưng nhiều năm qua chính quyền địa phương chưa xoá bỏ lớp ghép ở xóm Đèo. Ông Nguyễn Tấn Soái-Hiệu trưởng Trường tiểu học Hành Dũng: "Do không đủ học sinh để mở lớp đơn nên phải bố trí lớp ghép. Các em nhà ở quá xa điểm trường chính, nên dù chỉ 10 học sinh cũng phải mở lớp để các em có điều kiện học tập”.

Ông Trần Văn Thiện- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng cho biết thêm: Xóm Đèo là địa phương duy nhất ở Nghĩa Hành có 100% hộ dân là người dân tộc thiểu số. Trong xóm có 32 hộ với 132 khẩu thì có đến hơn 90% hộ nghèo. Chính vì điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên việc học của con em nơi đây chưa được phụ huynh quan tâm nhiều. Tuy vậy, thông qua nhiều nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã phần nào hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Chia tay xóm Đèo, chúng tôi không sao quên được hình ảnh cô giáo vã mồ hôi dạy chữ cho học trò lớp ghép. Tiếng đọc bài ê a của các em học sinh người dân tộc thiểu số. Mong sao lớp học ở xóm Đèo bớt nỗi gian nan!


Bài, ảnh: Kim Ngân
 


.