Câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống” ở Nghĩa Hành: Hỗ trợ trẻ em học tập tích cực

02:08, 25/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình câu lạc bộ "Giáo dục và đời sống" ở huyện Nghĩa Hành mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ trẻ em học tập tích cực. Từ mô hình này, các bà mẹ học hỏi nhiều kinh nghiệm nuôi dạy, định hướng tương lai cho con trẻ.

Ở huyện Nghĩa Hành trước đây, nhiều gia đình không coi trọng việc học tập của con cái. Trẻ em thiếu sự quản lý của gia đình dẫn đến hư hỏng, bỏ học giữa chừng xảy ra rất nhiều. Để  khắc phục tình trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai mô hình Câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống”, do Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng (VVOB), Vương quốc Bỉ tài trợ. Câu lạc bộ được triển khai thực hiện điểm ở hai xã Hành Minh và Hành Thịnh. Câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống” huy động gia đình, cộng đồng và nhà trường cùng hỗ trợ trẻ em học tập tích cực.

 

 Một buổi sinh hoạt CLB giáo dục và đời sống ở xã Hành Minh.
Một buổi sinh hoạt CLB giáo dục và đời sống ở xã Hành Minh.


Chị Huỳnh Thị Hương-Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Minh cho biết, dự án VVOB đã mở các lớp tập huấn, truyền thông hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; hướng dẫn cách điều hành câu lạc bộ, kỹ năng truyền thông, sinh hoạt... Câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống” ở xã Hành Minh thành lập năm 2010 có 40 thành viên tham gia. Ban điều hành và ban chủ nhiệm câu lạc bộ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch hoạt động từng tháng, quý và đánh giá kết quả hoạt động, tổ chức sinh hoạt theo các chủ đề như: Giúp con lập thời gian biểu; tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, cộng đồng và nhà trường; trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái giữa các bậc phụ huynh...

Nếu như trước đây nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến việc học của con, thì sau khi tham gia CLB “Giáo dục và đời sống” đã thay đổi nhận thức. Chị Lê Thị Việt (ở thôn Tình Phú Nam) cho biết, kinh tế gia đình khó khăn nên chồng phải vào Nam làm việc, chị ở nhà làm nghề tráng bánh. Công việc bề bộn nên ít có thời gian quan tâm đến con, kể cả việc học hành. “Từ ngày tham gia câu lạc bộ, tôi nhận thấy việc mình bỏ mặc cho các con tự học là sai lầm”, chị Việt nói. Còn như vợ chồng chị Trần Thị Trang (cũng ở thôn Tình Phú Nam), vì cố kiếm con trai để nối dõi mà sinh đến 4 người con, tất cả đều là gái. Từ khi tham gia CLB, chị Trang xóa bỏ quan niệm phân biệt giữa con trai và con gái; học hỏi nhiều kiến thức về tâm sinh lý của trẻ, cách dạy bảo con học tập hiệu quả… Từ ngày có mẹ “theo sát” việc học, con gái út của chị Trang tiến bộ rõ rệt, từ học sinh có học lực trung bình vươn lên khá.  

Từ khi tham gia CLB “Giáo dục và đời sống”, ý thức của chị em phụ nữ về tầm quan trọng của việc học được nâng lên. Các chị quan tâm tạo điều kiện để con học tập tốt hơn, không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái… Đến nay hầu hết các gia đình đều có góc học tập yên tĩnh, đủ ánh sáng cho con; 100% học sinh xây dựng thời gian biểu cụ thể. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hưng (thành viên CLB “Giáo dục và đời sống” ở xã Hành Thịnh) tâm sự: “Câu lạc bộ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tôi cũng như nhiều chị em khác biết lắng nghe con cái để thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng con trong việc học tập”.

Mô hình CLB "Giáo dục và đời sống " ở huyện Nghĩa Hành mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ trẻ em học tập tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Hy vọng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện.

 

Vũ Yến

 


.