(QNg)- Ở Quảng Ngãi việc truyền sử Hoàng Sa được kết hợp giữa tham quan các di tích lịch sử, dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, cùng với đó là những bài giảng sinh động trên lớp học đã diễn ra trong nhiều năm qua. Qua đó, người dân hiểu hơn về cội nguồn của Hoàng Sa nước ta.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Truyền sử từ di tích
Hằng năm, mỗi độ xuân về không chỉ người dân từ đất liền ở Quảng Ngãi ra đảo Lý Sơn mà lượng khách ở các tỉnh, thành phố trong nước và cả người nước ngoài cũng đến đảo Lý Sơn - nơi có di tích của Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa Bắc Hải ngày càng đông.
Thông qua lễ khao lề thế lính Hoàng Sa người dân hiểu rõ hơn cội nguồn về Hoàng Sa của nước Việt Nam |
Đến đây, du khách được tìm hiểu nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về đội Hoàng Sa tại Nhà trưng bày di tích đội Hoàng Sa. Tìm về đình làng An Vĩnh nơi thường chọn làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, thăm nhà thờ của các cai đội Hoàng Sa: Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết… du khách sẽ hiểu rõ hơn về đội Hoàng Sa, về lịch sử Hoàng Sa.
Đặc biệt, trong dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch các tộc họ trên đảo Lý Sơn làm lễ khao lề thế lính có lễ rước hương hồn các hùng binh Hoàng Sa từ các tộc họ về đình An Vĩnh dự lễ. Bên cạnh những mâm cỗ đầy, còn có mô hình thuyền của lính Hoàng Sa, bài vị thờ lính Hoàng Sa. Tại lễ khao lề có tổ chức thả thuyền, thả hoa đăng trên biển tưởng nhớ các hùng binh Hoàng Sa.
Nhiều du khách sau khi dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa càng biết ơn các bậc tiền nhân - những người con quả cảm vâng mệnh vua ban đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc truyền sử như thế cứ thấm dần vào nhiều thế hệ người Quảng Ngãi và cả nước.
Bài giảng Hoàng Sa, Trường Sa
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi thì hiện nay phần Lịch sử, Văn học và Địa lý địa phương đang được Sở chỉ đạo biên soạn, chuẩn bị đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh khối THCS, THPT. Trong phần lịch sử địa phương có bài giảng "Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” của thầy giáo Trần Văn Vàng biên soạn khá nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Thầy Vàng là giáo viên dạy bộ môn Lịch sử và môn Địa lý của Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức).
Năm học 2007-2008, trong chương trình dạy học của Bộ Giáo dục có tiết giáo dục địa phương, nhưng khi triển khai nhiều giáo viên đành bỏ trống tiết này hoặc cho các em đi tham quan một vài di tích trong huyện. Bức xúc trước vấn đề này, Phòng Giáo dục đã triệu tập giáo viên nòng cốt để soạn tài liệu với hy vọng sẽ có một tài liệu chung cho giáo viên toàn huyện. Thầy Vàng sau khi nhận trách nhiệm, suy nghĩ: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với người dân Quảng Ngãi từ lâu nên nhất định phải có bài giảng về Hoàng Sa, Trường Sa.
Thế là thầy tìm đến Bảo tàng tổng hợp tỉnh rồi nhờ các đồng chí ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giúp về tài liệu. Sau đó, một mình ra đảo Lý Sơn tìm đến các di tích của đội Hoàng Sa để sưu tầm tư liệu, chụp ảnh. Trở về, thầy bỏ công soạn bài. Mùa hè năm 2007 thầy hoàn chỉnh bài giảng trình Phòng Giáo dục huyện. Đến tháng 1/2008, Phòng Giáo dục tiến hành nghiệm thu các bài giảng rồi tổ chức tập trung giáo viên dạy môn Lịch sử ở 15 trường THCS trong huyện để nghe hướng dẫn bài giảng. Cũng từ đó, các học sinh của huyện Mộ Đức được học bài giảng về chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sau khi Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trương biên soạn tài liệu lịch sử địa phương, thầy Vàng là thành viên trong tổ biên soạn.
Còn ở các Trường THCS An Vĩnh, An Hải (huyện đảo Lý Sơn), từ lâu các thầy cô giáo dạy bộ môn Lịch sử khi đến tiết Lịch sử địa phương đã kể cho các em nghe về lịch sử đấu tranh của cha ông mình, trong đó không thể thiếu các hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa là những người con của quê hương Lý Sơn. Cứ thế, Hoàng Sa, Trường Sa thật gần gũi, thân quen. Nhiều thế hệ học sinh ở Quảng Ngãi lớn lên hiểu rõ hơn về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nơi cha ông của họ từng vâng mệnh đi đo đạc thủy trình, dựng cột mốc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Họ tự hào về cha ông nên càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Bài, ảnh: MAI HẠ