(QNg)- 19 năm ròng, không quản ngại khó khăn, gian khổ nơi rẻo cao Sơn Tây, chị miệt mài truyền thụ những kiến thức học được cho những lớp học trò nghèo thân thương nơi đây. Con đường dưới chân núi Hà Peo gần 20 năm trước hoang sơ đến rợn người. Vậy mà cô giáo trẻ ấy vẫn kiên trì bám làng, bám lớp, quyết mang con chữ về với miền ngược…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không chỉ là một giáo viên đầy nhiệt huyết với nghề mà chị còn là tấm gương sáng trong cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; một đảng viên điển hình trong ngành giáo dục Sơn Tây. Chị tên Đoàn Thị Bích Nguyệt - giáo viên Trường tiểu học Sơn Liên (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây).
Duyên nợ với nghề
Điểm trường lẻ nằm chênh vênh giữa ngọn núi Hà Peo, tiếng học trò bi bô tập đánh vần, tiếng cô giáo nhẹ nhàng uốn nắn các em phát âm. Lâu lâu, phía cuối lớp các em lại hỏi bài tập toán này giải thế nào… Hỏi ra mới hay cô Nguyệt "bao" cùng lúc tới hai khối lớp 3 và 4.
Cô Nguyệt tỉ mỉ nắn nót cho học sinh từng con chữ. |
Vừa gặp chúng tôi, cô Nguyệt chỉ vào căn phòng nhỏ, gió từ bên ngoài thổi xộc vào lạnh căm: "Khó khăn, thiếu thốn vậy đó nhưng học trò ở đây ngoan lắm, hiền lắm, em nào cũng ham học cả". Ngồi bên mái hiên trường, những cơn mưa phùn do ảnh hưởng không khí lạnh hắt vào lạnh cóng, nhưng câu chuyện của cô Nguyệt lại làm cho chúng tôi cảm thấy ấm lòng rất nhiều.
Năm 1994, khi huyện Sơn Tây được thành lập, ngành giáo dục huyện tổ chức tuyển giáo viên cắm bản và Nguyệt là một trong số 60 giáo viên đầu tiên nhận được vinh dự này. "Ngày còn nhỏ mình mơ ước được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng nên những năm học từ tiểu học đến trung học cơ sở mình luôn cố gắng học thật tốt. Nhưng khi vào lớp mười học được ba tháng, gia đình khó khăn nên phải nghỉ học.
Một hôm ba đi công tác ở huyện Sơn Hà về bảo ngành giáo dục Sơn Tây tuyển giáo viên cắm bản. Lúc đó, mình hăng hái làm hồ sơ. Vài tuần sau có thư mời tham gia lớp học nghiệp vụ sư phạm cấp tốc tại huyện Sơn Hà. Học xong, mình về chào ba mẹ. Mẹ ôm mình khóc. Mẹ bảo phận con gái lên non vất vả, nguy hiểm. Nghe mẹ nói vậy mình cũng e dè với quyết định ban đầu. Nhưng rồi hai ngày sau, ước mơ, hoài bão và trái tim thúc giục mình phải trở thành một cô giáo đã thôi thúc mình lên đường" - cô Nguyệt tâm sự.
Cô Nguyệt bảo, những ngày đầu lên non nhận công tác gian khó lắm, nhớ nhất là hồi từ Sơn Hà về Sơn Tây nhận lớp, đi bộ gần đến tối mà cả đoàn mới qua được địa phận xã Sơn Tân, nhìn về phía trước thấy toàn dốc dựng đứng. Đi chừng vài km nữa đến dốc Ông Phó giáp ranh xã Sơn Dung thì đi không nổi, chân cẳng sưng vù, bụng đói mình bị tụt lại phía sau… và ngồi khóc ngon lành. Thấy vậy, các anh đến động viên cố gắng lên, nhưng đi được vài bước thì chân tê cứng, mấy anh đồng nghiệp thay phiên nhau cõng mình về Sơn Dung. Bữa sau ai cũng trêu mình chuyện này. Nhưng đó là kỷ niệm mà có lẽ cả cuộc đời mình không thể nào quên. Chính sự cưu mang đùm bọc của đồng nghiệp, của tình người đã níu kéo bước chân mình 19 năm qua ở lại với mảnh đất này" - cô giáo Nguyệt chia sẻ.
Một đảng viên tiêu biểu
Không như bao giáo viên khác, ngày về nhận công tác việc đầu tiên của Nguyệt là… lân la nói chuyện với người dân bản địa. "Nói chuyện với họ để mình học tiếng nói của họ, học cách ứng xử của họ để dễ dàng hơn trong giao tiếp" - cô Nguyệt cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Huề - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Liên cho biết, cô Nguyệt là một giáo viên rất hòa đồng, hòa nhã với đồng nghiệp, người dân địa phương. Là người có trách nhiệm, biết điểm yếu của mình để vươn lên và trở thành giáo viên dạy giỏi của trường. Năng nổ nhiệt tình trong công tác. Nhiều giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên môn trường lớp đàng hoàng, nhưng về kinh nghiệm dạy học thì không ai bằng cô Nguyệt.
Năm 2005, cô Nguyệt vinh dự được kết nạp Đảng. Đó là thành quả sau hơn 10 năm phấn đấu của một cô gái đến từ vựa lúa Mộ Đức. Nói về cô giáo Nguyệt, ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây hết lời khen ngợi người "lính chiến trường" của mình. "Cô Nguyệt là người đầu tiên ở Sơn Tây khi nhận công tác là lao ngay vào học tiếng Ca Dong và thích nghi nhanh chóng với người địa phương cũng như học trò. Nhờ đó, nhiều phụ huynh sau khi được cô Nguyệt giải thích cặn kẽ bằng tiếng Ca Dong đã động viên và đưa con ra lớp. Những nơi khó khăn như Sơn Liên có được một giáo viên như cô Nguyệt là rất đáng mừng và quý giá - ông Thạnh cho hay.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC