Cô giáo làm giấy khai sinh cho học trò: Chuyện "lạ" ở vùng cao

02:03, 08/03/2012
.

(QNg)- Ở các huyện vùng cao, giáo viên không chỉ dạy dỗ học sinh mà kiêm luôn "nhiệm vụ" mà lẽ ra của chính cha mẹ và người thân trong gia đình các em, đó là làm giấy khai sinh cho học sinh.
 

Ở đồng bằng hiếm có chuyện giáo viên đi làm giấy khai sinh cho học trò. Làm giấy khai sinh cho con là trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ hoặc người thân ruột thịt trong gia đình khi con cái chào đời. Thế nhưng ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh ta thì nhiều giáo viên kiêm luôn "nhiệm vụ" làm giấy khai sinh cho học trò, nhất là giáo viên ở bậc học mầm non. Đây là nhiệm vụ bất thành văn mà nhiều giáo viên ở vùng cao phải đảm nhận, để tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp học.
 

Nhiều trẻ em ở vùng cao không được bố mẹ làm giấy khai sinh, mà
Nhiều trẻ em ở vùng cao không được bố mẹ làm giấy khai sinh, mà "giao" nhiệm vụ cho cô giáo.


Cô giáo Nguyễn Thị Kim Huệ-Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Mùa (Sơn Tây) thổ lộ: "Chuyện lạ nhưng thành quen. Nhiều cháu đến tuổi đi học nhưng chưa có giấy khai sinh nên cô giáo phải trực tiếp đi làm để các cháu đến lớp đúng độ tuổi". Năm học 2011-2012, Trường MN Sơn Mùa có 262 học sinh ở 9 điểm trường. Trong đó chỉ có 45 học sinh là con em của  người Kinh có giấy khai sinh, còn lại đa số học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên phải phân công nhau đi làm giấy khai sinh cho các em.  

Nhiều bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số chẳng nhớ ngày sinh, tháng đẻ của con. Họ chỉ nhớ là sinh vào mùa cau hoặc mùa rẫy, mùa đót, mùa đâm trâu… Giáo viên căn cứ theo mùa mà phụ huynh cho biết để "định" ngày, tháng, năm sinh cho học trò. Mùa cau thì "rơi" vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12, mùa rẫy từ tháng 1 đến tháng 3, mùa đâm trâu từ tháng 4 đến tháng 5… Hiệu trưởng Trường MN Sơn Mùa Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, trong quá trình tìm hiểu để làm giấy khai sinh cho học trò thì phát hiện nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số không có sổ hộ khẩu, nhiều cặp vợ chồng chung sống với nhau nhưng không có giấy kết hôn. Dẫu thế, cơ quan chức năng "buộc" phải làm giấy khai sinh để không làm "lỡ" cơ hội được đi học của các cháu.

Quy định của Nhà nước là trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha mẹ không  đi khai sinh thì ông, bà hoặc người thân khác đi khai sinh cho cháu bé. Ở các huyện vùng cao, nhiều cháu bé đã 5 tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh. Quyền lợi của trẻ em không được đảm bảo khi không có giấy khai sinh.

Có trường hợp giáo viên đi làm giấy khai sinh cho học trò, nhưng ít lâu sau phụ huynh đến yêu cầu cô giáo cho phép đổi tên cho con. Phụ huynh lý giải: "Đặt tên mới để con được khỏe mạnh hơn". Giáo viên phải giải thích đến "rát" cả cuống họng để phụ huynh hiểu. Theo lời kể của các cô giáo ở vùng cao Sơn Tây thì gần đây nhiều bậc cha mẹ người dân tộc thiểu số đặt tên con theo tên các diễn viên trong phim ảnh hoặc tên của các hãng điện thoại di động nổi tiếng, cụ thể như: Đinh Ka Ki Wel; Đinh Un Giun Zờ; Đinh Nokia; Đinh Motorola; Đinh Sam Sung… Việc đặt tên con theo kiểu "phức tạp" của các bậc phụ huynh đã gây không ít phiền toái cho chính các con của mình.

Việc giáo viên vùng cao "ra tay" làm giấy khai sinh cho học trò đã giúp trẻ em người dân tộc thiểu số có điều kiện ra lớp học, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi. Đây là việc làm rất đáng biểu dương của đội ngũ giáo viên ở vùng cao. Tuy vậy, trong thời gian tới cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao hiểu rõ, kịp thời làm giấy khai sinh cho con trẻ để các cháu được hưởng các quyền lợi theo đúng quy định của Nhà nước.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.