(QNĐT)- Nhu cầu xây dựng trường lớp để đảm bảo công tác dạy và học theo chương trình giáo dục mới là cấp thiết, thế nhưng đến nay nhiều trường mầm non vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trò chuyện với nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh bậc mầm non ở thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), chúng tôi bắt gặp ở họ toàn những tiếng thở dài. Căn nguyên là do trường lớp không đảm bảo phục vụ giảng dạy theo chương trình giáo dục mầm non mới. Nhiều trẻ em không được đến trường do thiếu phòng học.
Cô và trò ở điểm trường mầm non thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn). |
Cô giáo Nguyễn Thị Thương-Hiệu trưởng Trường MN xã Bình Hải, buồn rầu nói: “Ở Phước Thiện có 2 phòng học nhưng có đến 134 học sinh. Chỉ dạy trẻ 5 tuổi, còn hơn 100 cháu 4 tuổi thì ở nhà không được đến trường do thiếu phòng học. Cháu ra lớp trễ vừa thiệt thòi cho các cháu, vừa khó cho giáo viên trong giảng dạy”.
Điểm trường mầm non thôn Phước Thiện được ví là ngôi trường “nhiều không”: Không nhà vệ sinh, không tường rào cổng ngõ, không đồ chơi ngoài trời cho trẻ và không có trẻ 4 tuổi.
Chị Định Thị Minh (37 tuổi, ở thôn Phước Thiện, có con 4 tuổi không được đến trường) bức xúc: “Các cháu không được học, phải đứng ở cửa sổ nhìn vào lớp, thử hỏi người lớn ai mà không xót lòng. Nhà nước cần khẩn trương đầu tư xây dựng trường để con trẻ sớm được đi học, để không kéo dài sự thiệt thòi”.
Nỗi lo lắng của người dân thôn Phước Thiện đối với việc học của con trẻ đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng nhưng đợi mãi vẫn chưa được quan tâm tháo gỡ bởi lý do không có đất xây trường.
Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Hải Nguyễn Thị Thương tiếc nuối bảo: “Vừa rồi nghe tin huyện hỗ trợ 700 triệu đồng để xây trường mới, chúng tôi phấn khởi lắm, nhưng cơ hội bị “vuột mất” do không có đất xây trường”.
Ông Nguyễn Hữu Công-Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, thôn Phước Thiện có dân số đông, chiếm 1/2 dân số toàn xã. Hiện ở Phước Thiện không còn quỹ đất để xây dựng trường học. Đối với quỹ đất dự phòng của xã thì không phù hợp để xây trường. Điều này khiến người dân đau đáu nỗi lo, lẽ nào các cháu nhỏ chịu cảnh đến trường muộn và học tập trong ngôi trường chật hẹp, không đảm bảo cho công tác dạy và học theo chương trình mới… bởi lý do địa phương không bố trí được đất!
Ông Nguyễn Minh Sơn-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn nói: “Việc đầu tư xây dựng trường mầm non gặp khó khăn do trường chưa được cấp đất. Có những trường điều kiện giảng dạy không đảm bảo nhưng không thể đầu tư xây mới vì chưa có GCNQSDĐ. Nguồn kinh phí buộc phải chuyển sang đầu tư ở trường khác”. Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn, toàn huyện hiện có 36/117 điểm trường mầm non chưa được cấp GCNQSDĐ.
Không chỉ ở Bình Sơn mà nhiều trường mầm non ở các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Việc đầu tư xây dựng trường học từ các chương trình, dự án… chỉ có thể triển khai khi các trường có GCNQSDĐ. Chưa được cấp đất, nhiều trường ngậm ngùi chịu cảnh dạy và học trong ngôi trường không đảm bảo tiêu chuẩn, thậm chí là xuống cấp nguy hiểm đến tính mạng cô và trò.
Ông Bùi Trưng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh cho hay, nếu có GCNQSDĐ thì nhiều trường mầm non như Tịnh An, Tịnh Sơn… đã được đầu tư xây mới từ năm 2008 chứ không phải kéo dài tình trạng trường lớp ộp ẹp cho đến hôm nay. Toàn huyện Sơn Tịnh hiện có 15 trường chưa có GCNQSDĐ với tổng số 26 điểm trường. Bậc học mầm non trên địa bàn huyện hiện có đến 39 phòng học tạm, 36 phòng học nhờ.
Cơ sở vật chất của bậc học mầm non hiện khó khăn thuộc vào hàng bậc nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trẻ em chịu nhiều thiệt thòi từ sự thiếu quan tâm đầu tư cho bậc học này. Việc cấp GCNQSDĐ cho trường mầm non là yêu cầu cấp thiết để các trường học được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ