(QNĐT)- Trong khi chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về những quy định trong việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục tỉnh nhà đã lên quyết tâm cao bài trừ nạn dạy và học một cách tràn lan theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT. Thế nhưng, trên thực tế việc kiểm soát và xử lý còn vướng phải rất nhiều vấn đề.
Xưa nay, việc dạy và học thêm đã trở thành nhu cầu của cả học sinh lẫn giáo viên. Học thêm ngoài giờ học chính là nhằm hệ thống lại kiến thức cho những học sinh yếu kém, không theo kịp bạn bè. Học sinh khá, giỏi lại tận dụng việc học thêm để bồi dưỡng thêm kiến thức và định hướng cho tương lai. Còn giáo viên tổ chức dạy thêm nhằm kiếm thêm thu nhập ngoài số lương hàng tháng còn khá hạn chế.
Nên dạy thêm, học thêm dưới sự quản lý của nhà trường
Chuyện không có gì đáng bàn nếu như không có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Hiện nay, một số giáo viên xử sự không đúng trong dạy thêm học thêm như: Dạy thêm trước chương trình; cho học sinh học thêm làm trước những bài kiểm tra trên lớp; quan tâm, thiên vị những học sinh học thêm hơn so với những học sinh không đi học; đối xử không công bằng… Những điều này đã gây ra không ít bất bình từ phía học sinh và phụ huynh.
Thời gian qua, đội ngũ giáo viên ở tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT đã được phổ biến, quán triệt về nội dung của Thông tư 17 và Công văn số 1406 của Sở GD&ĐT. Trước mắt, Sở GD&ĐT đã mạnh tay nghiêm cấm mọi trường hợp vi phạm về việc dạy thêm, học thêm tại nhà để chờ văn bản chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh.
Tất cả các giáo viên dạy các môn cơ bản đều đã viết giấy cam kết không vi phạm tổ chức dạy thêm, học thêm tại nhà |
Tất cả giáo viên dạy các môn cơ bản như: Toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh đã viết giấy cam kết không vi phạm tổ chức dạy và học thêm tại nhà. Đồng thời, hiệu trưởng các trường cũng đã cam kết với phòng GD&ĐT không để giáo viên vi phạm và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu phát hiện giáo viên vi phạm.
Thế nhưng, việc dạy và học thêm thì không thể cấm hoàn toàn. Bởi đó là nhu cầu của các em học sinh, nhất là đối với các học sinh sắp thi chuyển cấp như khối lớp 9 hay lớp 12. Do vậy, theo tinh thần chung, Sở GD&ĐT chỉ chấp nhận việc dạy và học thêm trong trường học với sự quản lý của Ban giám hiệu nhà trường.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các phụ huynh đều đồng tình với việc dạy và học thêm dưới sự quản lý của nhà trường. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho biết: Không nên thúc ép các cháu học quá nhiều so với lứa tuổi. Việc đưa dạy và học thêm vào nhà trường sẽ giúp phụ huynh yên tâm hơn về khối lượng kiến thức thu nhận vừa phải cũng như tránh nhiều trường hợp giáo viên đối xử không công bằng giữa các học sinh.
Còn chị Trần Minh Nguyệt ở phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi có con đang theo học lớp 8, cho biết: Hằng tháng tôi phải chi một số tiền khá lớn vì chuyện học thêm của cháu. Có môn cháu phải học đến 2-3 người vì nhiều lý do khác nhau nên rất tốn kém. Các bạn của cháu ai cũng học như vậy nên tôi cũng bấm bụng cho con đi học vì sợ cháu chậm tiến so với bạn bè.
Chị Nguyệt cho rằng: Việc dạy thêm, học thêm chỉ là bổ sung kiến thức cho các cháu, chủ yếu là khuyến khích tinh thần tự học. Do đó, việc đưa học và dạy thêm vào trường học sẽ có sự quản lý chặt chẽ về thời gian biểu của các cháu và giúp phụ huynh yên tâm hơn rất nhiều. Đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng học phí quá lớn như trước đây đối với gia đình.
Cùng với các phụ huynh, nhiều người làm công tác quản lý trong ngành giáo dục cũng rất ủng hộ phương cách mới. Bởi, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà trường, các trường hợp tiêu cực như ép học sinh, dạy lớp quá đông hay dạy trước chương trình… sẽ không còn nữa. Thế nhưng, cùng với đó là một số băn khoăn chưa có lời giải đáp.
Chớ nên "đánh trống bỏ dùi"
Ông Tạ Lối- Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tư Nghĩa bày tỏ quan điểm: Việc dạy, học thêm chắc chắn phải đưa vào dưới sự quản lý của nhà trường mới có thể trở nên quy củ hơn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra hiện tại là làm thế nào để thực sự ngăn chặn được tình trạng tổ chức lén lút việc dạy, học thêm tại nhà.
Cần có biện pháp hợp lý để dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và đưa vào nhà trường một cách hợp lý. Ảnh minh hoạ |
Trên thực tế, trong khi chưa có quy định rõ ràng về mức xử phạt các trường hợp vi phạm thì việc tổ chức dạy, học thêm một cách lén lút không phải là hiếm. Mới đây, phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa đã phát hiện và xử lý trường hợp một giáo viên của Trường THCS Nghĩa Thắng đã tổ chức dạy thêm nhưng chưa có giấy phép. Trước mắt, phòng GD&ĐT Tư Nghĩa đã đình chỉ dạy đối với giáo viên này. Thế nhưng, mức xử phạt hay thời gian đình chỉ thì vẫn còn khá “lơ mơ” vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đoàn thanh, kiểm tra các trường hợp vi phạm trong việc tổ chức dạy, học thêm tại nhà. Chúng tôi sẽ mạnh tay xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”- Ông Tạ Lối khẳng định.
Bấy lâu nay, dư luận vẫn đưa ra nhiều vấn đề tiêu cực trong dạy thêm, học thêm và cùng nhau bàn cách hạn chế. Thế nhưng chưa lần nào hạn chế triệt để và còn buông lỏng trong quản lý. Do vậy, trong đợt này, sự mạnh tay nghiêm cấm và xử lý các trường hợp vi phạm đã nhận được nhiều sự ủng hộ của xã hội.
Tuy nhiên, thầy Huỳnh Tấn An- Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn La Hà - Tư Nghĩa băn khoăn rằng, theo Thông tư 17, trong tương lai tất cả các giáo viên có đủ điều kiện về phòng ốc, trang thiết bị, đèn chiếu và giấy phép sẽ được phép dạy thêm tại nhà thì mọi biện pháp cứng rắn hiện tại cũng sẽ trở nên vô tác dụng và mọi chuyện đâu lại vào đấy?
Ông Nguyễn Văn Anh- Trưởng phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi cũng chia sẻ: Hiện tại, do chưa có quy định cụ thể nên khi phát hiện trường hợp vi phạm như việc kèm học sinh theo nhóm, dạy thêm ở cấp tiểu học thì rất khó xử lý. Do vậy, rất mong UBND tỉnh sớm có văn bản chỉ đạo cụ thể để ngành có cơ sở triển khai thực hiện theo Thông tư mới của Bộ GD&ĐT.
Việc ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm đã nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận xã hội. Thế nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề khó trả lời về việc triển khai thực hiện trong thực tế khi còn vướng ở quá nhiều khâu từ việc nghiêm cấm dạy, học thêm tại nhà đến việc đưa vào dưới sự quản lý của nhà trường.
Thiết nghĩ, cần có biện pháp cứng rắn và hợp tình hợp lý để thực sự thay đổi được những “điểm đen” về tình trạng dạy thêm, học thêm. Và nhất là tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, không mang lại hiệu quả lâu dài mà chỉ làm rầm rộ lên trong một thời gian.
Thanh Phương